Anh là một trong những người đi đầu trong việc áp dụng thành công mô hình nuôi lươn không bùn tại TP. HCM và đưa lươn xuất ngoại.
Đến trang trại Sơn Ca, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô cũng như sự sáng tạo trong nghề nuôi lươn mà nơi đây đang áp dụng. Với diện tích khoảng 4.000m2 có tới hàng trăm bể nuôi lươn bằng xi măng, không có bùn. Trong bể, ngoài hệ thống đường ống tiêu, thoát nước, ở giữa bể được đặt các vỉ tre chồng lên nhau làm chỗ để lươn bám vào. Trên các vỉ tre, hàng trăm con lươn cuộn mình vào nhau.
Anh Sơn cho biết, lươn thịt của trại xuất bán quanh năm. Mỗi năm bán trên 1.200 tấn tại thị trường nội địa và xuất khẩu trên 400 tấn, lươn giống xuất khoảng 40 tấn. Anh còn xây 3 vựa thu mua tại chợ đầu mối Bình Điền để thu mua lươn của nông dân.
Để có thành công này, anh đã trải qua nhiều thăng trầm. Anh Sơn kể, năm 2001, anh bắt đầu nuôi lươn trong bể bùn tại Tiền Giang. Nhưng cách làm này không mang lại hiệu quả do tốn nhiều công sức, không đảm bảo môi trường.
Năm 2007, anh về mở trang trại nuôi lươn tại Hóc Môn. Ban đầu anh nuôi lươn trong bể có lục bình. Tuy nhiên cách này rất khó thay nước vì rễ lục bình nhiều. Rồi anh lại thử nghiệm nuôi lươn trong bể có dây nylon, nuôi lươn bằng việc thả gạch ống xuống bể, nuôi lươn bằng ống nhựa... nhưng đều không thành công.
Cuối cùng anh nuôi lươn trên những vỉ tre khô trong các bể xi măng và đã thành công. Theo anh Sơn, cách nuôi này không gây ô nhiễm môi trường, giảm công chăm sóc; dễ kiểm tra đàn lươn; lươn khỏe mạnh, mau lớn hơn. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm trang trại lươn của anh thu lời trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động.
Trang trại của anh thường xuyên có nhiều ND, chuyên gia đến tham quan, học hỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.