Ở làng Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thì nghề nuôi rắn hổ mang mới ra đời cách đây có 200 năm. Tuy nhiên, ở đây, việc nuôi rắn hổ mang đã lan ra cả làng. Mở cổng nhà nào ra cũng bắt gặp ngay trại rắn.
Năm 1981, chương trình khoa học trọng điểm của Nhà nước mang tên “Sinh học phục vụ nông nghiệp” đã chuyển cho GS - TSKH Trần Kiên một khoản kinh phí lớn để xây dựng tại đây một trại rắn hổ mang kiểu mẫu.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2011/images/2011-08-27/1434698221-205_6_nuoi-ran.jpg) |
Những người nuôi rắn độc hiện nay đều đang có thu nhập khá. |
Từ đó tới nay, nhiều trại rắn đã ra đời ở khắp các tỉnh.Đặc biệt, trại rắn của Quân khu 9 là trại lớn nhất. Cũng vì nuôi rắn độc là một nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nó thu hút rất nhiều nơi tham gia. Tuy nhiên, rắn hổ mang rất nguy hiểm nên nếu nhỡ để nó cắn thì ảnh hưởng đến tính mạng. Nọc của chúng cực độc. Do đó, chớ vội bắt tay vào nuôi khi ta còn chưa hiểu biết gì về chúng.
Trên thế giới có hơn 3.000 loài rắn, trong đó có 375 loài rắn độc. Ở Việt Nam có khoảng 135 loài rắn, trong đó có 34 loài độc.
Rắn không có chân, chúng vận động theo kiểu trườn nhờ vào 450 đốt sống hoạt động rất uyển chuyển. Chúng lớn lên là phải lột xác. Rắn non lột xác nhiều lần hơn rắn trưởng thành. Do hô hấp bằng phổi mà chúng hay phải sống ở những hang hốc khô cằn, nên da rắn đã hạn chế tối đa sự thoát hơi nước của cơ thể. Rắn ưa sống trong khoảng nhiệt độ 20-30°C. Lạnh dưới 20°C hoặc nóng trên 40°C là chúng ngừng hoạt động và tìm cách trốn sâu xuống các hang hốc. Rắn ngủ đông khi quá lạnh.
Ta thường ngạc nhiên khi thấy rắn nuốt một con mồi to hơn hẳn cơ thể chúng. Chúng làm được việc đó vì xương hàm trên và xương hàm dưới của chúng không ngoắc vào nhau mà khớp với nhau nhờ các dây chằng đàn hồi. Do đó, miệng chúng cứ há rộng mãi ra được và có thể nuốt cả con chuột hay con gà.
Rắn ăn động vật như cóc, ếch, nhái, chuột, gà, chim, trứng... Chúng không đòi hỏi phải cho ăn hàng ngày mà mỗi tuần ăn từ 1 - 2 lần là tốt rồi. Rắn nhịn ăn rất giỏi. Tuy nhiên, nước uống thì nên có thường xuyên cho chúng.
Để nuôi rắn hổ mang, ta phải làm chuồng trại. Tuỳ điều kiện riêng của từng gia đình mà có thể xây to, nhỏ, kiên cố hoặc đơn giản. Tất nhiên, chuồng phải đảm bảo đủ độ cao để rắn khỏi vượt ra. Bên trong, ta làm hệ thống hầm hố cho rắn ở. Ngoài ra, ta còn phải lo thức ăn và cách phòng trị bệnh cho rắn.
Tất cả những nội dung này đều có trong cuốn “Nghề nuôi rắn hổ mang” trong bộ sách “100 nghề cho nông dân” mà chúng tôi đã phát hành. Bà con tìm đọc sách sẽ nắm bắt đủ kiến thức.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.