Nuôi sò huyết Ô Loan-cứ 6 tháng lãi ngay 40 triệu đồng

Thứ ba, ngày 09/05/2017 19:00 PM (GMT+7)
ông Trần Văn Ban ở xã An Hải, huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, lượng giống sò huyết thả ban đầu là 112kg, sau 6 tháng nuôi đạt kích cỡ khoảng 70 con/kg, tổng sản lượng thu được hơn 1 tấn, lãi khoảng 40 triệu đồng...
Bình luận 0

Sò huyết đầm Ô Loan từ lâu đã nổi tiếng và là đặc sản của huyện Tuy An. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn sò huyết trong đầm ngày càng cạn kiệt. Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản quý này, huyện Tuy An đang đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch chi tiết vùng nuôi nhằm giúp người dân từng bước chuyển đổi nghề, tạo sinh kế mới.

img

Người nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan (Tuy An) đang vớt rong và kiểm tra sò ở vùng nuôi. Ảnh: Anh Ngọc.

Người nuôi có lãi

Ô Loan là đầm nước lợ ven biển nên có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhất là sò huyết. Thế nhưng, nguồn sò huyết trong đầm ngày càng cạn kiệt, có lúc không thấy loại thủy sản này xuất hiện trong đầm. Theo Sở NN-PTNT, nguyên nhân là do nghề nuôi tôm phát triển mạnh ở đầm Ô Loan, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý ao nuôi đã ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái và sự phát triển tự nhiên của sò huyết. Mặt khác, một thời gian dài cửa biển Tân Quy bị bồi lấp, làm hạn chế việc trao đổi nước giữa đầm Ô Loan với biển nên môi trường nước trong đầm không ổn định. Điều này khiến nguồn sò huyết đầm Ô Loan bị cạn kiệt từ năm 2007; riêng các năm 2008, 2009 hầu như không thấy sò xuất hiện trong đầm.

Năm 2014, Ban Quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Phú Yên đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm 2ha sò huyết tại đầm Ô Loan thuộc khu vực xã An Hải. Năm 2015, ban quản lý dự án này tiếp tục triển khai nuôi 6ha.

img

Quanh đầm Ô Loan có rất nhiều nhà hàng mở ra và tiêu thụ đặc sản sò huyết. Ảnh: Hùng Phiên.

Ông Lê Hữu Phước ở xã An Hải, một trong những hộ tham gia mô hình, cho biết: “Năm 2014, gia đình tôi tham gia mô hình và nuôi với diện tích 1ha. Vì đây là vật nuôi mới nên bước đầu, chúng tôi gặp một số trở ngại, sò giống khi thả xuống đã bị chết và hao hụt rất nhiều. Trong quá trình nuôi, rong xuất hiện dày đặc ở đáy ao làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của sò. Mặc dù chưa thành công lắm, nhưng sau 4 tháng rưỡi thả nuôi, sò đạt kích cỡ khoảng 70-75 con/kg, lãi hơn 25 triệu đồng. Năm 2015, gia đình tôi tiếp tục tham gia mô hình với diện tích 0,5ha. Do sò giống hơi nhỏ (khoảng 1.100 con/kg) nên phải nuôi đến hơn 6 tháng và sò đạt kích cỡ khoảng 60-80 con/kg. Vụ nuôi này, tỉ lệ sò hao hụt ít hơn (khoảng 40%), lãi thu được gần 35 triệu đồng”.

Ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Huyện đã khảo sát và họp dân để lấy ý kiến quy hoạch vùng nuôi sò huyết đầm Ô Loan. Trước mắt, huyện sẽ quy hoạch vùng nuôi là vùng có sò huyết tự nhiên sinh sống, với diện tích khoảng 100ha. Phòng NN-PTNT đang tham mưu cho UBND huyện quy hoạch chi tiết vùng nuôi này, trung bình từ 0,5-1ha mặt nước cho mỗi ô nuôi. Vùng quy hoạch sẽ được định vị theo tọa độ, đánh dấu bằng biển báo, phao ganh. Khi hoàn thành, huyện sẽ công bố quy hoạch chi tiết và giao cho người dân địa phương có nhu cầu nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan”.

Còn ông Trần Văn Ban ở xã An Hải, cho hay: “Năm 2015, gia đình tôi tham gia mô hình nuôi sò huyết đầm Ô Loan với diện tích 0,5ha. Lượng giống thả ban đầu là 112kg, sau 6 tháng nuôi đạt kích cỡ khoảng 70 con/kg, tổng sản lượng thu được hơn 1 tấn, lãi khoảng 40 triệu đồng. Sau khi kết thúc mô hình, gia đình tôi và một số hộ khác ở địa phương có ý định tiếp tục nuôi sò huyết, nhưng vùng nuôi quy hoạch chưa xong nên người dân chưa được giao mặt nước vùng nuôi”.

Theo ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, năm 2015, mô hình nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan có 12 hộ tham gia. Trong đó, 10 hộ có lãi từ 20-50 triệu đồng, chỉ 2 hộ nuôi có tỉ lệ sò chết quá cao nên hòa vốn. “Khó khăn nhất trong nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan là con giống và thời gian thả chưa chủ động. Để khắc phục vấn đề này thì khâu vận chuyển con giống phải nhanh và đảm bảo, người nuôi cần tranh thủ thời gian thả giống sớm để kịp thu hoạch trước mùa mưa”, ông Hiệp nói.

Sớm nhân rộng mô hình

Hiện nay, ngư dân ở khu vực đầm Ô Loan sống chủ yếu bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản nên thu nhập không cao và thiếu ổn định. Để giúp ngư dân có thu nhập ổn định hơn, tỉnh và huyện Tuy An đã và đang đầu tư nhiều công trình, cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển. Từ nguồn vốn dự án CRSD, tỉnh đã đầu tư xây dựng tuyến đường bằng bê tông xi măng nối từ tuyến đường cơ động ven biển (đường từ xã An Hải đi gành Đá Đĩa) đến khu nuôi trồng thủy sản và sò huyết ven đầm Ô Loan.

img

Sò huyết đầm Ô Loan là đặc sản nổi tiếng của xứ sở "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

Tuyến đường này dài khoảng 2km, rộng 3,5m, tổng mức đầu tư hơn 7 tỉ đồng và hoàn thành trong năm 2016. Ông Võ Kim Nhường ở xã An Hải, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan, cho biết: Lâu nay, muốn đến khu nuôi sò huyết, đa số người nuôi phải đi thuyền từ cầu An Hải lên, còn đi đường bộ thì rất vất vả, không thể đi xe máy được. Do đó, chúng tôi rất mừng khi Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng con đường này, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi đến nơi sản xuất.

img

Một điểm bán đặc sản sò huyết bên đầm Ô Loan. Ảnh: Hùng Phiên.

Theo UBND huyện Tuy An, diện tích đầm Ô Loan khoảng 1.570ha, có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng, là nơi mưu sinh của nhân dân 8 thôn thuộc 5 xã sống ven đầm. Sò huyết là đặc sản nổi tiếng của địa phương và cũng là đối tượng ăn lọc, góp phần cải tạo môi trường nước trong đầm. Nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan là một mô hình mới nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc hữu của đầm, đồng thời giúp người dân địa phương từng bước chuyển đổi nghề, tạo sinh kế mới. 

Anh Ngọc (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem