Khu vực thả giống nuôi hải sâm thí điểm được thực hiện tại đầm nước mặn Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, do Công ty TNHH Hải sâm Việt Nam hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi. Diện tích thả giống gần 2ha, số lượng thả 15.000 con, thời gian nuôi 8-10 tháng, dự kiến thu nhập 200-300 triệu đồng/ha.
Hải sâm được xem là thần dược của biển cả, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Ảnh: C.X
Theo ông Nguyễn Tăng Bính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, qua kiểm tra thực tế tại địa điểm thực hiện dự án, bước đầu cho thấy hải sâm sinh trưởng, phát triển nhanh, phù hợp với môi trường nơi đây. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả của mô hình thử nghiệm ban đầu, khi đánh giá được hiệu quả của việc nuôi hải sâm, UBND tỉnh sẽ xem xét thực hiện dự án nuôi hải sâm trên địa bàn tỉnh. Đây là phương thức nuôi thủy sản mới của tỉnh, Sở NNPTNT cần nghiên cứu hình thức nuôi hỗn hợp (hải sâm + ốc hương + tôm) nhằm tận dụng thức ăn thừa, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Về đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nuôi hải sâm. UBND tỉnh cho rằng, tạm thời chưa xem xét, quyết định việc này. Trước mắt, nếu nhân dân vùng sản xuất muối đồng thuận và được UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ thống nhất thì UBND tỉnh chỉ thống nhất cho thử nghiệm ở một vài địa điểm làm muối kém hiệu quả (tập trung ở đầm nước mặn).
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi, mô hình nuôi ghép hải sâm với ốc hương thương phẩm triển khai tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức với quy mô 11.000m², 6 đến 7 hộ tham gia; tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức với quy mô 4.000m², 2 đến 3 hộ tham gia. Còn mô hình nuôi đơn hải sâm thương phẩm triển khai tại huyện Đức Phổ với quy mô 8.000m², 3 đến 4 hộ tham gia.
Nguyễn Trang (SGGP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.