Nuôi thứ lợn rừng đặc sản thịt săn chắc "như tập tạ", nông dân Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình bán đắt như tôm tươi

Trần Anh Thứ ba, ngày 15/02/2022 05:40 AM (GMT+7)
Bà con dân tộc Bru - Vân Kiều (xã biên giới Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi lợn rừng và cho thu nhập cao, thoát nghèo ngày càng khấm khá.
Bình luận 0

Vay vốn để nuôi lợn rừng

Bà con nông dân ở xã biên giới Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chủ yếu thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. 

Từ khi Đảng ủy xã Hóa Sơn ra nghị quyết về phát triển chăn nuôi, bà con nơi đây đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, anh Đinh Minh Thân (39 tuổi, ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "3 năm trước, từ nghị quyết phát triển chăn nuôi của Đảng ủy xã Hóa Sơn, tôi được xã hỗ trợ giống lợn rừng...".

Ban đầu nhà anh Thân không có vốn nên chỉ nuôi được 2 con. Sau đó, anh mạnh dạn vay vốn theo chương trình cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa được 90 triệu đồng rồi đầu tư trang trại, mua thêm đàn lợn rừng...

"Đến nay, tổng đàn lợn rừng của tôi hơn 50 con, mỗi năm thu lãi từ việc bán lợn rừng đạt hơn 100 triệu đồng. Hiện tôi đã thoát khỏi hộ cận nghèo và trả một phần nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa. Thời gian tới, tôi tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng chăn nuôi lợn rừng", anh Thân nói.

Nông dân dân tộc Bru - Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi lợn rừng - Ảnh 1.

Anh Đinh Minh Thân (39 tuổi, ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bên đàn lợn rừng gần xuất bán. Ảnh: Trần Anh

Còn chị Phan Thị Chỉ (38 tuổi, ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Từ giống lợn rừng mà UBND xã Hóa Sơn hỗ trợ, tôi tập trung chăn nuôi và tăng đàn. Ban đầu, việc chăn nuôi còn nhỏ lẻ, sau khi bàn với chồng vay vốn để mở rộng chăn nuôi, tôi đã đi vay và tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa được 120 triệu đồng. Có vốn trong tay, gia đình tôi làm chuồng trại quy mô hơn, mua thêm vài chục con lợn rừng về thả". 

Nông dân dân tộc Bru - Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi lợn rừng - Ảnh 2.

Chị Phan Thị Chỉ (38 tuổi, ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa mua thêm đàn lợn rừng giống. Ảnh: Trần Anh

"Sau 3 năm nuôi lợn rừng, hiện tôi có hơn 20 con lợn rừng, mỗi năm xuất bán lợn rừng tôi lãi gần 100 triệu đồng. Việc nuôi lợn rừng mang lại cho gia đình tôi công việc, thu nhập ổn định và nay đã thoát nghèo, không còn sống nương tựa vào rừng", chị Chỉ cho biết.

Cả làng vay vốn nuôi lợn rừng

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Hồng Tuyên – Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Vào năm 2015, Đảng ủy xã Hóa Sơn ra nghị quyết về chăn nuôi. 

Ban đầu, bà con chưa mặn mà lắm, còn sống nương tựa vào rừng. Đến năm 2018, được sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 135, Chương trình 30a…UBND xã Hóa Sơn đã hỗ trợ giống lợn rừng cho bà con. 

Không dừng ở việc nuôi nhỏ lẻ, bà con trong xã đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa để làm chuồng trại, mua thêm lợn giống, phát triển chăn nuôi. 

Hiện xã Hóa Sơn có hơn 431 hộ chăn nuôi lợn, trong đó, hơn 100 hộ nuôi lợn rừng có quy mô. Trung bình, mỗi hộ dân ở xã Hóa Sơn thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm nhờ việc nuôi lợn rừng".

"Hóa Sơn là một xã biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, khi nghị quyết chăn nuôi đi và thực tiễn, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá mạnh, đạt gần 10%/năm. Đây là kết quả đáng ghi nhận về sự thay đổi từ nếp nghĩ, cách làm trong công tác xóa đói, giảm nghèo của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây", ông Đinh Hồng Tuyên – Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn nói.

Nông dân dân tộc Bru - Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi lợn rừng - Ảnh 3.

Từ nghị quyết phát triển chăn nuôi của Đảng ủy xã, người dân ở xã biên giới Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đều nuôi lợn rừng, cho thu nhập cao. Ảnh: Trần Anh

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Giang Hà - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở xã biên giới Hóa Sơn. Đến nay, có hơn 300 hộ dân ở xã này tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư vào chăn nuôi, cuộc sống bà con dần ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo".

Nông dân dân tộc Bru - Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi lợn rừng - Ảnh 4.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đến thăm hộ gia đình vay vốn để nuôi lợn rừng ở biên giới Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trần Anh

"Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa  sẽ tích cực tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư trong giai đoạn mới, tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", ông Trần Giang Hà cho hay.

Nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ giúp hội viên, nông dân trong tỉnh Quảng Bình giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả mà còn giúp cho cán bộ Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình sâu sát hơn với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp Hội Nông dân thu hút thêm hội viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem