Anh Chính, cho biết nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc cho sản phẩm sạch
Hiện quy mô trang trại của anh Mỹ đã mở rộng lên đến 3ha, tăng 2ha so với trước đây. Theo anh thì công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.
Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP. Khi trang trại chuẩn bị thu hoạch, anh chỉ cần gọi là thương lái là đến ngay và họ rất tin tưởng vào sản phẩm, không cần test kháng sinh.
“Tôm nuôi ở đây cứ 2,5 - 3 tháng là thu hoạch, đạt size 40 con/kg, bán với giá khoảng 160 ngàn đ/kg, cao hơn giá tôm nuôi truyền thống. Nhờ tôm lớn nhanh, kiểm soát được dịch bệnh, mỗi năm trang trại nuôi từ 4 - 5 vụ. Trung bình mỗi ao (1.500m2), thả từ 200 - 250 con/m2, thu 4 - 5 tấn tôm thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại lãi hàng tỷ đồng”, anh Chính cho biết.
Trang trại đầu tư ao lắng bạt để xử lý nước trước khi cấp nước nuôi chính thức
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Chính giới thiệu công nghệ nuôi tôm được anh học hỏi từ Thái Lan, kết hợp nghiên cứu tài liệu dịch “Thực hành công nghệ Biofloc” của PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM.
Từ năm 2014 đến nay, trang trại của anh vừa áp dụng vừa nghiên cứu cho phù hợp với thực tế từng vụ đã dần ổn định và hoàn thiện bài bản. Vì vậy anh đặt tên cho công nghệ là Chính Floc (The Real Floc).
Cũng theo anh Chính, để nuôi tôm theo công nghệ này các ao đều lót bạt nền đáy và bờ ao; có hố thu chất thải, kết hợp hệ thống xi phông tự động được anh thiết kế.
Nước để nuôi được xử lý cẩn thận. Trước tiên nước biển được bơm vào bể lọc, sau đó đưa vào ao lắng đất, rồi đưa vào ao lắng bạt. Tại đây, nước được xử lý diệt khuẩn bằng Clorin từ 25 – 30kg/1.000m3 nước đối với mùa đông và 20kg/1.000 m3 nước đối với mùa hè. Sau 72 giờ đồng hồ nước sẽ sử dụng để cấp hoặc bù nước cho các ao ương, ao nuôi…
Đối với con giống thả nuôi được trang trại chọn nơi SX uy tín hàng đầu Việt Nam. Để kiểm soát dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh chết nhanh, cũng như rút ngắn thời gian nuôi trang trại đầu tư bể ương nổi tròn làm bằng khung sắt, được lót bạt có thể tích 100 m3, với giá 27 triệu đồng.
“Bể này ương khoảng 1 triệu con giống, giúp trang trại giảm nhiều chi phí, giám sát được dịch bệnh. Nếu trước 15 ngày tôm phát sinh dịch bệnh thì sẽ tiến hành tiêu hủy hoặc chỉ dùng nuôi cho ao quảng canh. Và, DN cung cấp tôm cũng phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại, không đổ thừa thời tiết, vì nuôi bể này tôm được chăm sóc trong điều kiện rất tốt”, anh Chính nói.
Ao ương nổi
Ngoài hệ thống công trình ao nuôi, trang trại còn đầu tư các khu nuôi cây vi sinh dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh… tạo biofloc trong thùng phuy để đưa xuống ao nuôi. Sau đó, chạy quạt và sục khí để biofloc phát triển để ức chế vi sinh vật gây bệnh… Đây là yếu tố quan trọng để giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát tốt.
Về thức ăn cho tôm cũng được trang trại mua các nhãn hiệu uy tín. Khi tôm nuôi được 25 ngày sẽ được cho ăn bằng máy tự động.
Theo anh Chính, chi phí đầu tư cho 1ha khoảng 1 tỷ đồng (bao gồm công trình và thiết bị). Tuy hơi cao nhưng quy trình này giúp người nuôi an toàn hơn, hiệu quả hơn và mang tính bền vững cao. Hơn nữa quy trình này không sử dụng kháng sinh, chủ yếu sử dụng vi sinh. Nhờ vậy sản phẩm sạch, cải thiện vượt bậc năng lực cạnh tranh của người nuôi.
Trang trại nuôi được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản
Qua tham quan trang trại, ông Tô Mỹ Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú đánh giá cao hiệu quả mô hình không chỉ nuôi bền vững, cho sản phẩm sạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Bởi trang trại của Chính được đầu tư hệ thống xử lý nước thải qua 3 ao lắng trước khi xả ra môi trường.
Khu nuôi cấy vi sinh dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh
Kim Sơ - Lê Khánh (NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.