Nuôi tôm + trồng lúa, ớt, nông dân An Hiệp tiền tiêu rủng rỉnh

Thứ ba, ngày 15/08/2017 16:15 PM (GMT+7)
Ấp An Bình, xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) có trên 150ha diện tích đất tự nhiên, trong đó hơn 80ha sản xuất nông nghiệp, chủ yếu nuôi tôm biển và trồng lúa. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, nhiều người dân ở An Bình đã tận dụng phần đất bờ vuông tôm đầu tư trồng nhiều loại rau màu, trong đó có cây ớt.
Bình luận 0

img

Ông Trương Văn Ri bên vườn ớt của gia đình.

Ít đất sản xuất nhưng nhờ biết tận dụng phần đất bờ vuông nuôi tôm và xung quanh nhà, ông Trương Văn Ri đã trồng 1.800 cây ớt giống châu Phi trên diện tích gần 750m2 vào đầu tháng 4 âm lịch, sau 2 tháng rưỡi đã cho trái. Cây ớt trồng chỉ bón phân trong thời gian đầu, thời kỳ sinh trưởng và mỗi lần chuẩn bị ra bông đậu trái, đến khi thu hoạch sẽ giảm dần, do đó chi phí rất thấp.

Cây ớt cho trái liên tục khoảng 6 tháng. Đến nay, ông thu hoạch ớt trái chiếng (đợt 1) được hơn 1 tháng, với sản lượng gần 1 tấn, hiện còn ớt trái trên cây khoảng 500kg là hết đợt 1, thương lái thu mua với giá 40 - 80 ngàn đồng/kg (hiện giá ớt là 70 ngàn đồng/kg). Ông có lãi hơn 50 triệu đồng.

Ông Trương Văn Ri phấn khởi: “Năm nay thời tiết rất thuận lợi, mưa sớm, nhiều nên ít tốn công chăm sóc, tưới tiêu. Nhờ ớt có giá nên lợi nhuận bằng cả vụ ớt trồng năm rồi. Ớt là loại cây dễ trồng nhưng dễ bị các bệnh nguy hiểm như bệnh bã trầu trên thân cây, bệnh quắn đọt dễ lây lan hết đám ớt, bệnh thán thư trên thân trái ớt nên phải chăm sóc và theo dõi xuyên suốt quá trình phát triển của cây từ lúc trồng đến thu hoạch”.

Theo ông Ri, đầu năm, ông đều mua phân bò về ủ đúng theo quy trình, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để bón cho cây. Cây ớt bón phân chuồng phát triển tốt, trái đạt cả năng suất cao và chất lượng. Ông chịu khó dùng thân tre chẻ nhỏ đóng trụ, rào xung quanh và cột nhẹ vào thân cây ớt. Nhờ đó, cây ớt trồng có thân to, tán rộng, trái nhiều, không đổ ngã và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Mặc khác, sau mỗi đợt thu hoạch ớt, ông đều bón thêm vôi nhằm hạ phèn giúp cây phát triển, sinh trưởng tốt và mang lại hiệu quả.

Mô hình trồng ớt của ông Trương Văn Ri ấp An Bình, xã An Hiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, tăng thu nhập. Từ kết quả đạt được, nhiều năm liền, ông Ri đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hiện nay, An Bình có hơn 10 hộ trồng ớt đang thu hoạch, với diện tích gần 1ha. Tuy vùng đất nhiễm phèn, mặn nhưng ớt của nông dân ở ấp An Bình trồng cho năng suất, chất lượng tốt không thua gì ớt được trồng ở vùng trọng điểm rau màu trên địa bàn huyện.

Theo ông Trần Văn Thông - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp, ông Trương Văn Ri là nông dân cần cù, sáng tạo, chịu khó lao động để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình trồng ớt của ông Ri đã mang lại hiệu quả. Hướng tới, hội tuyên truyền về hiệu quả của mô hình này cho nông dân biết, thành lập tổ hội nghề nghiệp, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng ớt.

Đồng thời, hội vận động các hộ dân cải tạo vườn tạp, tận dụng bờ liếp, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các chủng loại cây thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp với từng khu vực, giúp hộ dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế theo hướng bền vững. 

Đào Văn Bình (Báo Đồng khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem