Dưới nuôi trùn quế trên nuôi thỏ, anh nông dân Quảng Nam vượt khó khăn, khá giả hẳn lên

Thứ bảy, ngày 30/07/2022 19:00 PM (GMT+7)
Mô hình nuôi thỏ và trùn quế kết hợp (trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế) của nông hộ Hồ Ngọc Thắng (thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đem lại nguồn thu ổn định.
Bình luận 0
Mô hình nuôi thỏ và trùn quế kết hợp của nông hộ Hồ Ngọc Thắng (thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, Núi Thành) đem lại nguồn thu ổn định.
Dưới nuôi trùn quế trên nuôi thỏ, anh nông dân Quảng Nam khá giả hẳn lên - Ảnh 1.

Ông Hồ Ngọc Thắng chăm sóc chuồng trại đúng quy trình mang lại kinh tế cao. Ảnh: T.H

Năm 2015, ông Hồ Ngọc Thắng đầu tư 15 triệu đồng nuôi 20 con thỏ, rồi đến nay  gầy lên trại nuôi thỏ quy mô hơn 500 con lớn nhỏ. Nhận biết được mô hình nuôi thỏ có triển vọng, ông tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm khắp nơi, kể cả nghiên cứu qua sách báo, mạng internet để tiếp cận giống thỏ Newzealand dễ chăm sóc, nhanh lớn, ít dịch bệnh.

Dưới nuôi trùn quế trên nuôi thỏ, anh nông dân Quảng Nam khá giả hẳn lên - Ảnh 2.

Mô hình trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn của ông Hồ Ngọc Thắng. Ảnh: T.H

Ông Thắng cho biết: "Giống thỏ Newzealand phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng 3 tháng mỗi con đạt khoảng 2 - 2,5kg, lúc này có thể xuất bán ra thị trường. Nuôi thỏ thuận lợi hơn các con vật nuôi khác là ít bị dịch bệnh tấn công. Thịt thỏ làm sẵn được bán ra với giá 150.000 đồng/kg. Theo đó mỗi tháng tôi thu về 20 triệu đồng từ việc nuôi thỏ".

Bên cạnh nguồn thức ăn từ bột thì gia đình ông còn tận dụng rau muống biển, rau lang bản địa vùng cát để làm thức ăn thêm cho thỏ. Điều này giúp gia đình ông Thắng tiết kiệm khoảng 10 - 20% chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp. Mỗi năm trừ mọi chi phí thức ăn, nhân công chăm sóc, trại nuôi thỏ của ông Thắng lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. 

Nỗi sợ nhất của người nuôi thỏ là bấp bênh đầu ra. Vì vậy, từ lứa thỏ đầu tiên,  ông Thắng tự mình mang thỏ đi chào bán khắp các nhà hàng, quán nhậu từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Ban đầu tự tiếp thị thịt thỏ thương phẩm thì đến nay các thương lái khắp nơi đến đặt hàng nhưng cũng chỉ nhận lại từ ông cái lắc đầu do số lượng thỏ nuôi không đủ để cung cấp.

Trong quá trình chăn nuôi, nhận thấy việc để phân thỏ chất đống, chờ phân hủy để làm phân bón cho nông nghiệp là không khoa học, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ông Thắng quyết định sử dụng phân thỏ để nuôi trùn quế, bán ra cho các cửa hàng kinh doanh mồi câu trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Mỗi ngày, ông bán 10 - 15kg trùn quế, cải thiện thêm nguồn thu cho gia đình.

“Mô hình nuôi trùn quế ngay dưới lồng thỏ rất hợp lý, dễ dàng cho việc theo dõi và chăm sóc cho cả hai và không tốn quá nhiều thời gian để xử lý phân bón do thỏ thải ra” – ông Thắng chia sẻ.

Clip: Khấm khá nhờ nuôi thỏ và trùn quế kết hợp của gia đình anh Hồ Ngọc Thắng (thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Nói về dự định phát triển mô hình nuôi thỏ quy mô hơn trong tương lai, ông Thắng cho biết đang ấp ủ việc mở rộng trại nuôi rộng khoảng 250m2, với không gian kín để hạn chế rủi ro dịch bệnh cho đàn thỏ, đồng thời để chúng thích ứng với các điều kiện thời tiết khác nhau.

Hiện nay, trại nuôi của ông Thắng đầu tư đầy đủ hệ thống nước, thức ăn, máy theo dõi nhiệt độ…, để thỏ và trùn quế phát triển nhanh và đạt chất lượng cao hơn.

Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Văn Luận cho biết, mô hình nuôi thỏ kết hợp trùn quế của Hồ Ngọc Thắng đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho nông hộ, song việc chăn nuôi nằm trong khu dân cư nên chính quyền không khuyến cáo.

"Địa phương không có điểm quy hoạch chăn nuôi tập trung, đất dành hết cho trồng rừng phòng hộ, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề. Đây là cái khó cho người nuôi thỏ vùng cát" - ông Luận nói.

Văn Tây-Công Hải (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem