Ở nơi này của Bà Rịa-Vũng Tàu, dân từ biển vô bờ mang theo cá tôm đã đành, còn mang theo một thứ bất ngờ

Chủ nhật, ngày 30/06/2024 05:55 AM (GMT+7)
Trong quá trình đánh bắt hải sản, ngư dân thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chủ động thu gom rác thải ngoài biển, đưa vào bờ để xử lý chứ không xả trực tiếp xuống biển như trước.
Bình luận 0

Trong quá trình đánh bắt hải sản, ngư dân thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chủ động thu gom rác thải từ ngoài biển, đưa vào bờ để xử lý chứ không xả trực tiếp xuống biển như trước.

Lượm rác từ biển đưa vào bờ-Lợi ích lâu dài

Chiếc thuyền thúng cập bến, ngư dân Lê Hữu Đức gom hết chai nhựa, túi ni-lông, hộp xốp từ thuyền cho vào túi rồi mang lên bờ. “Từ 2-3 năm nay, mỗi lần ra khơi, tui đều mang rác vào bờ để bảo vệ môi trường biển chứ không xả xuống biển như trước nữa”, ông Đức cho hay.

Ông Dương Bảo Khanh cũng là ngư dân có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề biển ở Phước Hải. Ông Khanh kể, 10 năm trở lại đây, biển ngày càng bị ô nhiễm, cá tôm, hải sản cũng giảm hẳn.

Ý thức được điều đó, ông cùng nhiều ngư dân khác đã động viên nhau thu gom rác sinh hoạt trong quá trình đánh bắt và vớt rác ở đại dương mang vào bờ cho đơn vị thu gom, xử lý.

Cũng đánh bắt ở làng chài Phước Hải, cứ mỗi lần nhấc lưới khỏi mặt nước, ngư dân Lữ Sĩ Hoài lại lắc đầu ngán ngẩm vì có khi được 1kg cá thì có đến 3kg rác vướng vào lưới. 

Thay vì gỡ rác vứt xuống biển, ông Hoài cho rác vào túi để mang về giao cho đội tự quản đưa đi xử lý.

“Biển là nơi chúng tôi kiếm kế sinh nhai mỗi ngày. Chúng tôi phải mang ơn biển. Vì vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai lâu dài. Dù rác đã nhiều, biển đã ô nhiễm nhưng bảo vệ môi trường thì không bao giờ muộn”, ông Hoài nói.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, dân từ biển vô bờ mang theo cá tôm đã đành, còn mang theo một thứ thấy bất ngờ- Ảnh 1.

Ông Lê Hữu Đức (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) gom rác trên thuyền để đưa lên bờ xử lý.

Theo báo cáo của UBND TT.Phước Hải, hiện nay trên địa bàn thị trấn đang quản lý: 455 thuyền công suất 192.389 CV, 129 đò nan và 285 thuyền thúng với 1.000 ngư dân đánh bắt gần bờ.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Theo lãnh đạo TT.Phước Hải, địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn khoảng trên 10 tấn; lượng rác thải dọc bờ biển vào mùa gió nam khoảng 3-5 tấn/ngày. Rác thải từ sinh hoạt, chế biến thủy hải sản đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và du khách.

Trước thực trạng đó, thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện vệ sinh môi trường như: tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng đoàn viên, hội viên và người dân; xây dựng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, ký cam kết với những hộ chế biến thủy hải sản, bố trí phương tiện thu gom rác trên tuyến đường ven biển. Đến nay 10/10 khu dân cư với 99% hộ dân trên địa bàn thị trấn đăng ký thu gom rác tại nhà.

Từ đầu năm 2018 đến nay, địa phương đã thuê đơn vị tư nhân thu gom, xử lý rác. Theo đó, rác thải từ các khu dân cư và rác dọc bờ biển sau khi thu gom được đưa về trạm trung chuyển rác tập trung tại thị trấn, sau đó vận chuyển về khu xử lý chất thải tập trung tại TX.Phú Mỹ.

Mới đây, huyện Đất Đỏ cho lắp đặt thêm nhiều thùng rác phân loại dọc bờ biển để ngư dân khi gom rác lên bờ bỏ đúng nơi quy định. 

Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tình trạng rác thải dưới bãi biển từ các đò ngang, thuyền thúng địa phương sau khi sơ chế thủy sản tự phát, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch địa điểm cố định cho khoảng 100 đò ngang, thuyền thúng neo đậu, đồng thời giao cho khu dân cư quản lý, tổ chức cho các hộ ngư dân cam kết thu dọn rác và phế thải sơ chế cá tôm sau mỗi chuyến biển.

Phong trào bảo vệ môi trường biển đã lan tỏa đến các khu phố và được ngư dân đồng tình hưởng ứng. Ông Lê Hữu Thế, Trưởng ban Mặt trận khu phố Hải Sơn, TT.Phước Hải cho biết, khu phố có 176 hộ làm nghề biển. Từ tháng 10/2022, khu phố Hải Sơn thành lập tổ vận động ngư dân bảo vệ môi trường. 

Tổ có trách nhiệm quản lý công tác vệ sinh môi trường khu neo đậu thúng, đò ngang; tổ chức thu gom rác thải, phế phẩm và thu phí vệ sinh môi trường để chi trả cho đơn vị thu gom rác. Sau gần 2 năm phát động phong trào bảo vệ môi trường biển, lượng rác đã giảm từ 3 - 5 tấn/ngày xuống còn 0,5 tấn/ngày.

Quang Vũ (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem