Xóm “4 không” ở Bắc Kạn có 15 hộ dân tộc Tày đang mong "2 có" là có điện, có đường

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 11/07/2024 12:49 PM (GMT+7)
Xóm Đầu Đẳng (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) nằm bên dòng sông Năng với 15 hộ gia đình sinh sống. Nơi đây nằm biệt lập với những khu vực xung quanh, không có điện, không đường đi, không trường học, không internet…
Bình luận 0

Xóm "4 không" Đầu Đẳng

Xóm Đầu Đẳng (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) là một trong những xóm nằm biệt lập hoàn toàn với khu vực xung quanh bởi có dòng sông Năng chảy qua. 

Ở Bắc Kạn có một xóm 4 không- không đường, không điện, không mạng, không trường, đến khổ!- Ảnh 1.

Xóm Đầu Đẳng (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) có 15 hộ dân sinh sống, nằm tách biệt hoàn toàn với các khu vực xung quanh vì có dòng sông Năng chảy qua. Ảnh: Kiều Hải

Xóm Đầu Đẳng có "4 không" chỉ có 15 hộ dân sinh sống với khoảng 60 nhân khẩu đều là người dân tộc Tày, điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản trên sông.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở đây lại chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Nhất là vào mùa mưa, nước lũ từ sông dâng lên cao gây ngập úng cây cối và hoa màu, ảnh hưởng đến sản lượng lương thực. 

Điều kiện cơ sở vật chất ở đây thiếu thốn rất nhiều thứ, xóm không có điện, không có đường đi lại, không có trường học, không có nước sạch, cũng không có internet.

Anh Nông Văn Thấm (xóm Đầu Đẳng, thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: "Gia đình tôi hiện có 4 nhân khẩu. Điều kiện sống của người dân ở đây hết sức khó khăn với nhiều hộ nghèo và cận nghèo. 

Do không có điện sinh hoạt nên chúng tôi phải sử dụng các thiết bị từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, thời gian sử dụng không thể kéo dài".

Ở Bắc Kạn có một xóm 4 không- không đường, không điện, không mạng, không trường, đến khổ!- Ảnh 3.

Người dân xóm Đầu Đẳng muốn di chuyển đến những khu vực khác đều phải đi bằng thuyền. Ảnh: Hà Thanh

Cũng theo anh Thấm, do không có đường đi lại nên người dân muốn di chuyển đến những địa phương khác phải đi bằng thuyền mất rất nhiều thời gian. 

Từ xóm Đầu Đẳng ra trung tâm huyện Ba Bể mất 2,5 giờ đồng hồ. Trẻ em đi học mầm non, tiểu học phải đi bằng thuyền, mất cả tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường. Còn những cháu muốn có điều kiện đi lại thuận tiện hơn thì các gia đình phải gửi ra ngoài trung tâm huyện để học.

"Chính vì không có đường đi lại nên người dân chúng tôi khi đánh bắt cá không thể mang ra chợ huyện bán mà chỉ bán tại chỗ. Chi phí đi lại bằng thuyền rất cao, nếu mang ra chợ bán thì trừ chi phí đi coi như không được lãi" - anh Thấm cho hay.

Chị Đồng Thị Sláy (xóm Đầu Đẳng, thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) tâm sự, gia đình chị có 4 nhân khẩu với hai vợ chồng và hai con trai. 

Trước đây, khi các con chị còn đi học, do không có đường đi lại nên gia đình chị phải gửi con sang bên Na Hang, Tuyên Quang để học. Giờ các cháu đã đi làm ở những huyện khác trong tỉnh nên cũng đỡ vất vả hơn phần nào.

Ở Bắc Kạn có một xóm 4 không- không đường, không điện, không mạng, không trường, đến khổ!- Ảnh 5.

Xóm Đầu Đẳng (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) là xóm "4 không": Không điện, không đường, không trường học, không internet. Ảnh: Kiều Hải

Ở Bắc Kạn có một xóm 4 không- không đường, không điện, không mạng, không trường, đến khổ!- Ảnh 6.

Vợ chồng chị Đồng Thị Sláy (xóm Đầu Đẳng, thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) chuẩn bị dụng cụ đi đánh bắt cá trên sông Năng. Ảnh: Kiều Hải

Gia đình chị Ma Thị Hương (xóm Đầu Đẳng, thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) có 4 nhân khẩu nhưng các con đều đi học xa nhà, chồng chị Hương cũng đi làm ăn xa, chỉ có mình chị ở nhà vừa lo việc đồng áng lại vừa tranh thủ đánh bắt thêm tôm cá về bán. Các con của chị đều ngoan ngoãn, học giỏi, cả hai cháu đều chuẩn bị đi du học nên dù cuộc sống khó khăn chị vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Ở Bắc Kạn có một xóm 4 không- không đường, không điện, không mạng, không trường, đến khổ!- Ảnh 7.

Thu nhập của người dân xóm Đầu Đẳng (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Kiều Hải

Tiềm năng phát triển du lịch

Bên cạnh những khó khăn kể trên, xóm Đầu Đẳng có nhiều lợi thế về phát triển du lịch như nằm cạnh dòng sông Năng với không khí trong lành, mát mẻ. Ngoài ra, nơi đây còn có thác Đầu Đẳng được hình thành từ dòng sông Năng, hòa với phong cảnh rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Ba Bể, rất thích hợp cho phát triển du lịch trải nghiệm.

Ở Bắc Kạn có một xóm 4 không- không đường, không điện, không mạng, không trường, đến khổ!- Ảnh 8.

Thác Đầu Đẳng hùng vĩ nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch. Ảnh: Kiều Hải

Thác nước đổ từ trên cao xuống, va chạm vào đá, tạo nên tiếng ầm ầm vang rất xa. Dù đứng cách vài kilomet nhưng vẫn có thể nghe rất rõ âm thanh ấn tượng này. Chính vì sức hút trên mà thác Đầu Đẳng đã trở thành điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách.

Tận dụng những lợi thế đó, người dân trong khu vực đã phát triển dịch vụ kinh doanh, buôn bán một số mặt hàng như đồ ăn, đồ uống, các sản phẩm từ đánh bắt thủy sản như tôm, cá, các sản phẩm từ tự nhiên của bà con trong vùng như mật ong, thuốc nam… để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Ở Bắc Kạn có một xóm 4 không- không đường, không điện, không mạng, không trường, đến khổ!- Ảnh 9.

Tận dụng lợi thế về du lịch các hộ dân ở xóm Đầu Đẳng đã phát triển dịch vụ kinh doanh, buôn bán một số mặt hàng như đồ ăn, đồ uống, các sản phẩm từ đánh bắt thủy sản của bà con trong vùng. Ảnh: Kiều Hải

Anh Nông Văn Thấm cho biết, những năm trước người dân còn phát triển các dịch vụ như ăn uống và lưu trú của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại đây. Những ngày cao điểm, có khoảng 200 lượt khách đến trải nghiệm/ngày. Tuy nhiên do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, điện không có nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu trú và thu hút du khách đến với nơi đây. Năm nay, lượng khách đến khu vực này giảm rõ rệt, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của người dân.

Trước những khó khăn đó, bà con mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ để đầu tư xây dựng đường giao thông, đưa điện lưới về với khu vực. Từ đó, giúp người dân thuận lợi phát triển sản xuất và giao thương hàng hóa, tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết, do nhiều thôn bản trên địa bàn xã (trong đó có xóm Đầu Đẳng, thôn Bản Cám) có địa hình phức tạp, dân cư sống rải rác nên việc kéo điện lưới quốc gia về các khu vực này gặp nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, do các thôn (trong đó có xóm Đầu Đẳng, thôn Bản Cám) nằm tách biệt hoàn toàn với xung quanh nên việc đầu tư xây dựng đường giao thông rất khó thực hiện và đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. 

Năm 2022 sau khi có đề xuất của xã, bên điện lực Ba Bể cũng đã phối hợp với xã về khảo sát tại khu vực xóm Đầu Đẳng nhưng do chi phí lớn nên địa phương phải chờ nguồn kinh phí từ trên cấp về mới triển khai thực hiện được.

Theo ông Đông, hiện đã đăng ký nhu cầu vốn đầu tư theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn I (2021 - 2025), trong đó có nhu cầu đầu tư mạng lưới điện cũng như xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn ở những thôn vùng cao. Tuy nhiên, do nguồn vốn lớn nên phải chờ đến giai đoạn sau mới có thể triển khai thực hiện được. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem