CLIP: Ở đầm Thị Nại-một đầm nước mặn nổi tiếng Bình Định, người dân ầm cuốc chỉa 3 răng, “căng” mắt dò tìm con phễnh lẫn trong lớp bùn đen, gạch đá lởm chởm, vất vả, nhọc nhằn, nhưng kiếm sống mỗi ngày. Video: Thăng Bình.
Nghề dò tìm bắt con phễnh
Vùng đầm Thị Nại là một trong những khu vực đầm nước mặn có nhiều con phễnh, con vẹm sinh sống dưới đáy đầm.
Những phụ nữ đều trên 50-60 tuổi, người lem luốc bùn sau nhiều giờ chà lết ở ven đầm Thị Nại, đào từng con phễnh nhỏ như ngón tay cái. Công việc khá vất vả nhưng thu nhập chỉ 100.000-150 nghìn đồng mỗi ngày.
Khi thủy triều xuống, vùng ven đầm Thị Nại lộ bãi bùn sình lầy, đó là thời điểm nhiều người dân đổ xô đi đào phễnh (một loài nhuyễn thể có 2 vỏ giống con nghêu nhưng thịt chắc và ngon).
Cùng với hàng chục phụ nữ khác đổ về đoạn dưới chân cầu Thị Nại (hay còn gọi là cầu Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) để bắt đầu cuộc mưu sinh, bà Lê Thị Mỹ Hoa (58 tuổi, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) cho hay, tháng này nước cạn vào tầm trưa, khoảng 8h sáng nước đầm bắt đầu rút từ từ, đến 12h trưa vùng ven đầm trơ đáy và nước cạn chỉ 5-6 tiếng rồi dâng lên lại.
Bà Hoa cầm chiếc cuốc chỉa 3 răng bằng sắt, cặm cụi, tỉ mẩn đào bới, mắt bà "căng" ra để dò tìm những con phễnh nhỏ như ngón tay cái người lớn lẫn trong lớp bùn đen với gạch đá lởm chởm.
Nghề này phải ngồi cặm cụi suốt 5-6 tiếng nên người lúc nào cũng đau ê ẩm, bất cẩn còn bị đá nhọn đâm rách chân tay chảy máu.
"Ngày kiếm được 100 nghìn đồng cũng nhọc công lắm, bắt về đến sáng sớm lại đem lên chợ ngồi cạy, tách vỏ lấy thịt riêng để bán", bà Hoa chia sẻ.
Hễ nước đầm rút xuống là đi bắt phễnh
Theo bà Hoa, trước kia đầm Thị Nại chưa bị hút cát, bùn để lấp các dự án khu đô thị, khu dân cư ven đầm, bình quân mỗi buổi người dân bắt được trên 10kg, giờ nhiều lắm khoảng 5kg. Giá bán 25.000-30.000 đồng/kg, mỗi buổi kiếm 100-150 nghìn đồng không bằng nửa so với những năm trước.
Người địa phương cho biết, tùy vào từng tháng trong năm mà con nước rút xuống ở thời gian khác nhau trong ngày. Bởi vậy, ngư dân vùng ven đầm nắm rõ quy luật này, canh khi nước xuống là tranh thủ ra đầm đào phễnh.
Bà Nguyễn Thị Mười (62 tuổi, ở cùng phường Nhơn Bình) cho hay, bao đời nay, hàng nghìn hộ dân sinh sống ven đầm Thị Nại có cuộc sống khấm khá lên cũng nhờ vào nguồn lợi thủy sản phong phú ở đầm.
"Ngoài làm ruộng, rảnh lúc nào là vợ chồng tôi ra đầm kiếm kế sinh nhai, nhờ vậy mà nuôi 5 người con lớn lên", bà Mười thổ lộ.
Đầm Thị Nại là 1 trong 4 đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Bình Định, nằm trên các địa phận TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát. Đầm có diện tích mặt nước hơn 5.000ha với nhiều nguồn lợi thủy sản. Bao đời nay, đầm Thị Nại chẳng khác một "mỏ vàng" để người dân khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Sau khoảng 6 tiếng, bà Nguyễn Thị Kim Loan cùng chồng ông Phạm Văn Thơm (ở khu vực 4, phường Nhơn Bình), đào được khoảng 10kg phễnh.
Nhiều năm trước, mỗi buổi vợ chồng bà Loan cũng kiếm 600 nghìn đồng, may mắn kiếm tiền triệu, còn giờ kiếm được 300 nghìn đồng thì "coi như đã hên lắm rồi".
"Hai năm nay làm ăn cái gì cũng khó, phễnh thì ít, đi phụ hồ nhưng tuổi cao làm không nổi", ông Thơm cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.