Ở đây củ hà thủ ô đỏ quý hiếm to như củ sắn, hình thù kỳ quái

Thứ bảy, ngày 01/02/2020 13:21 PM (GMT+7)
Trong số các loài thảo dược hiện có tại Cao Bằng, hà thủ ô đỏ là cây dược liệu với nhiều công năng chữa bệnh, giá trị kinh tế cao.
Bình luận 0

Hà thủ ô được xem như một trong những thảo dược quý của Đông y, được nhiều người biết đến dưới những tên gọi khác nhau: hà thủ ô đỏ hay dã miêu, xích cát, giao đằng, dạ hợp, địa tinh, đào liễu đằng, trần tri bạch…Hà thủ ô có tác dụng bổ gan, bổ khí huyết, tăng cường trí nhớ, trị mất ngủ, mệt mỏi...

img

Những củ hà thủ ô đỏ Cao Bằng còn tươi.

Hà thủ ô còn có tác dụng giúp tóc lâu bạc, trị bệnh ngoài da, hạ đường huyết, giúp ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch, bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, nâng cao khả năng miễn dịch, cải thiện hoạt động của hệ thống các tuyến nội tiết.

Ngoài ra, hà thủ ô đỏ còn có tác dụng kháng khuẩn, nâng cao khả năng chống rét của cơ thể, nhuận tràng và giải độc.

Hà thủ ô đỏ là loại cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới núi cao. Nơi mọc tự nhiên thích hợp nhất là các quần thể rừng núi đá vôi, đất có độ ẩm cao, tơi xốp, nhiều mùn. Hà thủ ô đỏ có thể trồng bằng dây hay bằng hạt, đây là cây dây leo, thân mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân có màu xanh tía, mặt thân nhẵn không có lông.

Lá hà thủ ô đỏ mọc so le, có cuống dài, phiến lá hình tim hẹp, đầu nhọn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng. Vào vụ thu - đông khi lá cây hà thủ ô đỏ đã vàng, khô úa, người ta đào lấy củ, cắt bỏ hai đầu, mang về chế biến thành các phương thuốc Đông y.

Sản phẩm củ hà thủ ô đỏ được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau, như: phơi khô, sắc uống như trà, ngâm rượu, chế thành viên hoàn, chế thành cao, tán thành bột, viên nang, trà túi lọc, trà hòa tan…

img

Rượu ngâm từ hà thủ ô đỏ - một trong những sản phẩm nổi tiếng của Cao Bằng.

Theo cách chế biến và bảo quản truyền thống của người Cao Bằng, dùng hà thủ ô đỏ củ tươi hay miếng khô đem về rửa qua nhiều lần nước cho sạch đất bẩn, tạp chất, cạo vỏ, bổ nhỏ rồi ngâm nước vo gạo 3 ngày 3 đêm và thay nước vo gạo thường xuyên. Ngâm xong lại tiếp tục rửa nước cho thật sạch, để ráo, thái miếng rồi đem phơi khô.

Chọn hạt đỗ đen nấu lấy nước, tỷ lệ hà thủ ô đỏ/đậu đen là 10/3. Sau đó cho hà thủ ô đỏ lên hấp cách thủy với nước đậu đen. Khi nấu gần cạn thì bắc xuống, đổ ra khay đem đi phơi hoặc sấy khô. Nước còn thừa thì tẩm lên miếng hà thủ ô đỏ. Làm tất cả 9 lần như trên, mỗi lần nấu là thay đỗ đen mới.

Cây hà thủ ô đỏ mọc tự nhiên phân bố khắp các huyện trong tỉnh Cao Bằng, như: Thông Nông, Nguyên Bình, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hòa An… Hà thủ ô đỏ là cây thuốc quý cần được bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng hợp lý, trên cơ sở khoa học.

Các sản phẩm được chế biến từ hà thủ ô đỏ có giá trị kinh tế rất cao, giá thành khác nhau tùy loại. Những năm gần đây, đã có nhiều dự án, công trình khoa học nghiên cứu tạo ra các sản phẩm chế biến từ hà thủ ô đỏ có chất lượng tốt, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp thị hiếu người tiêu dùng, đưa thương hiệu hà thủ ô đỏ Cao Bằng đến với thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với nhiều loại sản vật nổi tiếng luôn có sẵn, như: bánh khảo, khẩu sli, mật ong rừng, măng khô, rượu ngô men lá, hạt dẻ…, các sản phẩm từ hà thủ ô đỏ cũng được xem như món quà đặc sắc, độc đáo để du khách mua tặng người thân, bạn bè khi có dịp đến thăm Cao Bằng.

P.A (Báo Cao Bằng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem