Ở Đồng Nai có một nghề "chưa có tên gọi" nhưng đã giúp bao gia đình nghèo nơi đây khá giả hơn

Thứ tư, ngày 07/06/2023 18:54 PM (GMT+7)
Có một nghề mà nhiều người gọi là nghề hái rau dại đã giúp không ít người dân nuôi sống gia đình từ hàng chục năm nay. Công việc mà chúng tôi nói đến tại xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
Bình luận 0

Khó có thể nói đây là công việc nhẹ nhàng hay không, nhưng dường như “nghề” này hiện chỉ có phụ nữ tham gia. Hàng ngày, họ đi khắp vùng để hái rau dại, sau đó bán cho đầu mối... cũng chuyên nhập rau dại để bán lên thành phố Biên Hòa. 

Để rồi, cái nghề “chưa có tên gọi" này cũng góp phần giúp một số gia đình nghèo có cuộc sống ổn định hơn, thậm chí con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng, học đại học.

Đồng Nai: Nhọc nhằn 'nghề' hái rau dại - Ảnh 1.

Người dân vất vả tìm hái rau dại trong những cánh rừng cao su bạt ngàn.

Buổi sáng một ngày đầu tháng 6/2023, chúng tôi (phóng viên) theo chân bà Đoàn Thị Lý (sinh năm 1972, ngụ ấp 61, xã Sông Nhạn) trong trang phục áo khoác, nón, ủng gần như bịt kín từ đầu tới chân, cưỡi chiếc xe máy cà tàng đi tìm rau dại.

“Đi nào” - bà Lý hô lên vui vẻ như vậy rồi bắt đầu hành trình từ nhà mình, đi qua các lối mòn, ngõ ngách cho đến các hàng rào, bờ dậu, vườn cao su, bờ suối hay mảnh đất mà ai đó bỏ hoang... để tìm rau dại.

Có vẻ như những người như bà Lý đã quá quen thuộc với mọi ngõ ngách, nơi nào có các loại rau dại như cây rau tàu bay, rau má, lá lốt là dễ dàng tìm đến. Mang theo hai con dao nhỏ, một mớ bao bì, khi nhìn thấy một đám rau dại là bà Lý thoăn thoắt hái, gom lại rồi cho vào bao. Những thứ rau dại mà bà Lý thường gom lại là rau càng cua, mướp đắng, dền, lá lốt. Ngoài ra, các loại cây thuốc như nhân trần, cỏ mực … cũng hái để dành, chờ khi có người tìm mua.

Chia tay bà Lý, chúng tôi tìm gặp bà Lê Thị Dần (sinh năm 1960), một người làm nghề hái rau dại khác trong vùng. Vào lúc 2 giờ chiều, giữa cái nắng như đổ lửa, trong bộ đồ nghề lỉnh kỉnh, bà Dần bắt đầu công việc buổi chiều như thường nhật. Hướng đến một đám lá lốt xanh um trong rừng cao su bao la, chẳng mấy chốc bà gom được hơn chục ký.

“Trông vậy nhưng cũng vất vả lắm, lang thang khắp miền như dân du mục. Ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì tầm tã. Có hôm đi vào rừng cao su bị ong, kiến, muỗi cắn chi chít, sưng tay, sưng chân. Nhưng mà quen rồi, đi khắp nơi với cây cỏ, vừa có cái bán lấy tiền vừa thấy lòng nhẹ nhõm, vui vui”, quệt vội những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán, bà Dần cười nói vui vẻ.

Theo bà Dần, công việc hái rau dại không chỉ giúp bà “đỡ nghèo" mà còn góp phần nuôi các con bà có người theo học được đến đại học, cao đẳng. Trước năm 2000 bà Dân là công nhân cạo mủ cao su cho Nông trường cao su Sông Quế, nơi tập trung nhiều người dân miền Trung từ Quảng Trị vào đây lập nghiệp.

Sau đó do lớn tuổi, diện tích cao su thu hẹp, nghề cao su có nhiều đổi thay nên những người như bà Dần xin nghỉ. Có được chút vốn, vợ chồng bà mua thửa đất nhỏ trồng điều nhưng thu nhập không đủ trang trải. Một lần rảnh rỗi bà hái mớ rau dại bên đường đem về ăn thì có người hỏi mua. Sau đó bà tập trung khá nhiều thời gian cho việc “đi cắt rau" và thu nhập từ công việc này trở thành một phần thu nhập cho gia đì̀nh.

“Hái rau rừng là nghề tự do, không bị ràng buộc về thời gian, phù hợp với sức khỏe của những người lớn tuổi. Nhờ nó mà kinh tế gia đình cải thiện rất nhiều. Sắp tới chắc tôi giảm bớt thời gian đi hái để đảm bảo sức khỏe, chỉ làm nửa ngày, buổi sáng hoặc buổi chiều thôi”, bà Dần tâm sự.

Câu chuyện của bà Đoàn Thị Lý cũng không khá hơn khi chồng bà mất đã hơn 20 năm. Bà làm nghề hái rau dại gần chục năm nay, lần hồi mà nuôi các con nay đều đã trưởng thành. Thường lệ 7 giờ sáng, bà “tay xách nách mang” đi tìm rau, càng đi sớm càng đỡ nắng. Vào mùa mưa thì đi trong xã, mùa nắng thì đi sang các xã lân cận như Cẩm Đường, Xuân Đường... Có khi phải xin đi qua nương rẫy người khác, có khi bị rắn cắn, ong đốt. Mỗi ngày bà hái được nhiều thì 50 - 60kg, ít thì 20kg. Mùa mưa thì nhiều rau hơn nhưng giá rẻ hơn, khoảng 4.000 đồng/kg, ngày nắng thì 8.000 đồng/kg.

Đồng Nai: Nhọc nhằn 'nghề' hái rau dại - Ảnh 2.

Phân loại rau dại rừng để phân phối cho đầu mối

Để bán được rau dại, người dân phải đi gom và “tập kết” về “đầu mối”. Ông Phạm Quang Thắng (55 tuổi, ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn) cho biết, gia đình mình là đầu mối, chuyên thu gom rau dại phân phối về thành phố Biên Hòa. Lúc đầu nhà ông là nơi đặt bán vài ba mớ rau dại sau đó không ngờ có nhiều người thích ăn rồi mua.

Nắm được nhu cầu, gia đình ông thu gom rau dại rồi đem lên chợ Biên Hòa (thành phố Biên Hòa) bán. Hiện nay, ông Thắng tậu cả xe tải để chở rau, cứ chiều nhập rau, rồi sáng sớm lại tần tảo chuyển về chợ. Hiện 3 người con cùng phụ vợ chồng ông. Điểm bán rau dại của gia đình ông “đặt” tại chợ Biên Hòa, trở thành địa chỉ quen thuộc được nhiều người tìm đến hoặc có khi đưa vào trong các nhà hàng, quán ăn.

Mỗi ngày gia đình ông Thắng đều đặn thu mua từ 2-3 tấn rau, củ, quả trong vườn và khoảng từ 1-2 tạ rau rừng của người dân địa phương. Nhờ nghề này gia đình ông không những vượt khó vươn lên khá giả mà còn tạo công ăn việc làm ổn định bằng nghề hái rau dại cho người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cũng là hàng xóm của bà Lý, bà Dần cho biết: Xã Sông Nhạn có khoảng 2.300 hộ dân, chủ yếu làm nghề cạo mủ cao su cho các nông trường. Hiện nay trong xã, lao động trẻ chủ yếu lên thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa hoặc các địa bàn khác làm công nhân.

“Nhìn chung, đời sống người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc người dân tự túc làm nghề "hái rau dại" để tăng thêm thu nhập là điều xã khuyến khích. Công việc hái, thu gom rau dại của một số người dân ở đây đã hình thành từ khoảng chục năm nay. Có thể nói đây là một công việc đặc trưng tại xã Sông Nhạn...”, đại diện UBND xã Sông Nhạn cho hay.

Sông Nhạn là 1 trong 12 xã của huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, có diện tích 4.784 ha, dân số 9.181 người. Đây cũng là địa bàn có diện tích trồng cây cao su nhiều nhất huyện Cẩm Mỹ, là điều kiện lý tưởng để rau dại sinh trưởng. Rau dại mọc tự nhiên, chất lượng tốt, không bị phun thuốc trừ sâu hoặc chất kích thích nên được nhiều người ở thành thị ưa thích. Hiện trên địa bàn xã Sông Nhạn có hơn 10 hộ dân đang hái rau rừng để mưu sinh.


Cẩm Trang (Báo Lao Động Thủ đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem