Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, hợp tác xã nắm trong tay các chợ đầu mối nông sản
Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, hợp tác xã nắm trong tay các chợ đầu mối nông sản, Việt Nam nên học tập mô hình này
TS.Đặng Kim Sơn
Thứ năm, ngày 05/05/2022 09:16 AM (GMT+7)
Một trong những thành tựu lớn nhất của hơn 35 năm đổi mới, 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là phát triển nông nghiệp nông thôn. Đáng chú ý, đó là đóng góp lớn của 8 - 9 triệu hộ nông dân.
LTS.Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII khai mạc sáng 4/5 sẽ dành thời gian tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhân dịp này, Dân Việt xin giới thiệu bài viết của chuyên gia nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn về những đóng góp của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như khuyến nghị các giải pháp phát triển hợp tác xã để thúc đẩy liên kết các nông hộ nhỏ.
Nông nghiệp Việt Nam đang dựa trên sản xuất nhỏ của hộ tiểu nông
Một trong những thành tựu lớn nhất lớn nhất của hơn 35 năm đổi mới, 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là phát triển nông nghiệp nông thôn. Đáng chú ý, đó lại là đóng góp của 8 - 9 triệu hộ nông dân (chiếm 53,7% số hộ nông thôn).
Quy mô đất trung bình chỉ có 0,6ha/hộ, vào loại nhỏ nhất thế giới mà mọi quan hệ đầu vào, đầu ra trong chuỗi cung ứng đều thông qua trung gian thương lái, đại lý nhưng nông dân đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, quy mô đất canh tác nhỏ lại đang là cản trở cho áp dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất lớn, áp dụng tiêu chuẩn thị trường cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Đó là chưa kể tỷ lệ đô thị hóa từ 37% hiện nay vọt lên 51% năm 2030 và 60% năm 2045; lực lượng lao động nông nghiệp giảm từ 18% hiện nay xuống 13% năm 2030 sẽ đặt ra những thách thức về giải quyết việc làm khi lao động đẩy ra từ nông nghiệp sẽ mạnh hơn hút vào từ phi nông nghiệp.
Trong khi đó, những điểm nghẽn trong tích tụ ruộng đất, nhu cầu thu hút đất cho đô thị và công nghiệp ngày càng lớn thì chắc chắn con đường hộ tiểu nông phát triển lên kinh tế trang trại sẽ khó khăn.
Con đường chuyển sang hộ kinh doanh và khởi nghiệp thành doanh nghiệp còn khó khăn hơn. Mức để dành trung bình của hộ nông thôn Việt Nam năm 2018 chỉ có hơn 26 triệu đồng/năm/hộ, trong khi đó, hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh hiện nay cũng chỉ có 25,9% đăng ký kinh doanh chính thức.
Mọi trông đợi hiện nay là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về nông thôn (dẫn dắt chuỗi giá trị, mở thị trường, áp dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất lớn,…) nhưng số doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp, nếu tính các lĩnh vực liên quan là 8%, mà tới 96% là nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ có 5 - 6% nông dân hợp tác với doanh nghiệp chế biến. Rõ ràng đây không phải là lối thoát căn cơ.
Con đường phát triển của hộ nông dân nhỏ phải là phát triển hợp tác xã
Trong giai đoạn tới, hộ tiểu nông cần có tổ chức dẫn dắt để hoàn thành 3 nhiệm vụ: tiếp tục phát triển trong điều kiện nông nghiệp, nâng cao được vị thế và liên kết được với doanh nghiệp, cạnh tranh thành công trong hội nhập; tích lũy đất đai và vốn liếng trở thành kinh tế trang trại sản xuất lớn; có điều kiện tích lũy, chuyển đổi khỏi hộ tiểu nông, chuyển thành lao động phi nông nghiệp, hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Hợp tác xã là con đường duy nhất, tổ chức thích hợp nhất để dẫn dắt, mở đường cho hộ tiểu nông phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách dành cho hợp tác xã hiện nay như đào tạo bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật, hỗ trợ khoa học công nghệ, phát triển thị trường, bảo hiểm bắt buộc, giao đất, miễn thuế, sử lý nợ tồn đọng, khuyến khích vay vốn,… đều chưa đủ mạnh.
Nhìn chung, các nội dung chính trong Luật Hợp tác xã 2012 đã theo đúng thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây là quá trình thay đổi tư duy, tự tích lũy vốn, tay nghề, tài sản, năng lực quản lý để hình thành quan hệ sản xuất mới.
Phải đầu tư đến mức để tích lũy lực lượng sản xuất đủ mạnh là chìa khóa phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các nền kinh tế thành công (Đài Loan là nông hội, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel là hợp tác,…).
Đơn cử như Đài Loan giúp nông hội bằng cách cấp 50% vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng, nắm 50% chợ bán buôn nông sản, 44% chợ rau quả, 29% chợ sản phẩm chăn nuôi, 62% chợ thủy sản, làm chủ khâu tiêu thụ sản phẩm, ngân hàng; cung cấp dịch vụ công (khuyến nông, nghiên cứu ứng dụng, thủy nông,…), đào tạo, tư vấn, nghiên cứu, bảo hiểm, văn hoá, thể thao, du lịch...
Hợp tác xã ở Hàn Quốc quản lý 50% chợ bán buôn, 44% chợ rau quả, 29% chợ chăn nuôi, 62% chợ thủy sản, có 10.000 trung tâm kinh doanh, công ty nhập khẩu và phân phối đầu vào, hàng trăm nhà máy chế biến nông sản, nắm giữ 40% thị phần buôn bán nông sản.
Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản quản lý các vùng chuyên canh, cung cấp 94,5% phân bón, 70% thuốc, 35,5% thức ăn gia súc,…; quản lý ngân hàng nông nghiệp; đảm nhiệm chế biến, tiêu thụ trên 90% gạo và rau; trên 50% hoa quả, sữa tươi, thịt bò
Tóm lại, chính sách cần có để phát triển hợp tác xã, liên kết nông hộ là: tổ chức hệ thống hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện (dân bầu, dân quản lý); nhà nước trao quyền cho các tổ chức này tham gia quản lý (phát triển sản xuất, phát triển nông thôn, phát triển thị trường); trao quyền cho các tổ chức này tham gia cung cấp dịch vụ công (khuyến nông, cung cấp giống, kinh doanh vật tư thiết bị đầu vào, cung cấp tín dụng, hỗ trợ sản xuất, chế biến nông sản, kinh doanh nông sản đầu ra); nhà nước hỗ trợ đầu tư (cơ sở hạ tầng thủy lợi, kho tàng logistic, hệ thống thương mại,…).
Trong giai đoạn đầu, cần có chính sách cho phép hợp tác xã kiểu mới ưu tiên tiếp cận tài nguyên, trao quyền, tăng năng lực bằng những nguồn lực có trong tay nhà nước như quỹ đất trước đây là doanh nghiệp nhà nước có nguồn gốc là nông lâm trường; quỹ đất công của địa phương; vốn và tài sản của các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và sắp xếp lại; lực lượng cán bộ và cơ sở vật chất của các cơ quan công lập làm dịch vụ công trong nông nghiệp như thú y, bảo vệ thực vật, thủy nông, khuyến nông, trung tâm giống khi sắp xếp lại,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.