Ở Kon Tum, dân nuôi lươn con đặc sản dày đặc, bán thu tiền quanh năm, nhiều người đang đến xem

Kỳ Phú Thứ tư, ngày 08/05/2024 13:33 PM (GMT+7)
Chỉ với diện tích vài chục m2 nhưng với cách nuôi khoa học, anh A Sương, nông dân xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã thành công mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Từ tháng 7/2023, Hội Cựu chiến binh huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) triển khai mô hình nuôi lươn không bùn trong khung bạt tại hộ gia đình anh A Sương (trú tại thôn Làng Tum, xã Ya Ly). 

Gây dựng mô hình nuôi lươn không bùn

Việc triển khai xây dựng mô hình này nhằm giúp hộ anh Sương thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biết tận dụng, phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo đó, mô hình được triển khai với quy mô 2000 con giống, tổng vốn đầu tư hơn 20 triệu đồng (trong đó, Hội Cựu chiến binh huyện Sa Thầy hỗ trợ về giống, gia đình đóng góp thêm để xây dựng chuồng trại).

Ở Kon Tum, dân nuôi lươn con đặc sản dày đặc, bán thu tiền quanh năm, nhiều người đang đến xem- Ảnh 1.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong khung bạt tại hộ gia đình anh A Sương

Tận dụng đất trống xung quanh nhà và vật liệu sẵn có, anh làm 2 ô bể lót bạt xung quanh, mỗi bể có diện tích 9m2 để nuôi lươn không bùn. Cùng với đó, anh lắp đặt hệ thống cấp thoát nước và hệ thống nước xả tràn.

Trong quá trình nuôi, anh Sương được các cơ quan, ban ngành tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cũng vừa tự tích lũy, đúc rút được kinh nghiệm. Từ đó, anh cũng nắm bắt được giai đoạn sinh trưởng của lươn và cách chăm sóc theo từng giai đoạn.

Nói về việc nuôi lươn không bùn, anh Sương cho biết, công việc này không quá cầu kì, không tốn nhiều thời gian và công chăm sóc. 

Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt chỉ cần giữ vệ sinh nguồn nước, bảo đảm nguồn nước luôn sạch sẽ. Hằng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn và phải sát khuẩn bể định kỳ 1 lần/tháng để diệt vi khuẩn. 

Bể nuôi phải có hệ thống cấp nước và thoát nước để tiện cho việc thay nước, ngoài ra trên bề mặt nước cần phải rải các sợi dây nilong kết thành chùm để tạo chỗ trú ẩn cho lươn.

Ở Kon Tum, dân nuôi lươn con đặc sản dày đặc, bán thu tiền quanh năm, nhiều người đang đến xem- Ảnh 2.

Anh Sương vệ sinh bể nuôi lươn

"Một ngày tôi thường cho ăn 2 lần, vào buổi sáng và chiều tối, nhưng phải luôn đúng giờ. Lúc cho ăn phải quan sát lươn, nếu thức ăn thiếu cần bổ sung vì có thể lươn lớn sẽ ăn lươn nhỏ, cho ăn phải vừa đủ không để dư vì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. 

Thức ăn cho lươn cũng rất đa dạng, tùy vào các mốc sinh trưởng, thức ăn được chế biến từ các nguyên liệu như bột cá, cá tạp, ốc, cám, bột bắp bột mì… hoặc kết hợp trộn với thức ăn công nghiệp", anh Sương giải thích.

Cũng theo anh Sương, thịt lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưu chuộng, nên sẽ không lo về đầu ra có thể bán cho các thương lái, chủ nhà hàng. 

Sau gần 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 95%, trọng lượng lươn đạt từ 200 – 300g/con (cứ khoảng 5 con đạt 1kg), thu được khoảng hơn 300kg lươn thương phẩm. Mới đây, anh vừa xuất bán được hơn 100kg lươn, với giá 150.000 đồng/kg.

Ở Kon Tum, dân nuôi lươn con đặc sản dày đặc, bán thu tiền quanh năm, nhiều người đang đến xem- Ảnh 3.

Lươn đạt trọng lượng từ 200-300g là có thể xuất bán

Anh Sương ước tính bán hết vụ lươn đợt này có thể thu về được khoảng 40 triệu đồng, trừ đi mọi chi phí và vốn để dành mua giống cho đợt nuôi sau thì lợi nhuận còn lại gần 20 triệu đồng. 

Với mức thu nhập như vậy, thì hiệu quả về kinh tế mà mô hình nuôi lươn không bùn đem lại là khá cao. Anh Sương dự tính, sau khi thu hoạch vụ lươn đợt này, anh sẽ xây thêm bể để nâng diện tích nuôi.

Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch Hội CCB huyện Sa Thầy cho biết, mô hình lươn không bùn trong khung của ông A Sương bước đầu mang lại kết quả khả quan, có nhiều triển vọng để nhân rộng trên địa bàn. 

Mô hình không chỉ mang lại giá trị kinh tế, tạo sinh kế ổn định mà còn mở ra cách chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả để bà con trên địa bàn xã Ya Ly nói riêng cũng như trên địa bàn huyện nói chung áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình.

"Thời gian tới, hội sẽ tạo mọi điều kiện để hội viên A Sương tiếp tục duy trì mô hình, đồng thời tuyên truyền cho bà con nhân dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trên địa bàn xã, huyện, từ đó tiến tới định hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo thành ngành nghề ổn định cho người dân trên địa bàn", ông Hải chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem