Bạch Dương
Thứ hai, ngày 31/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Người dân ở TP.HCM đã trải qua một năm khó khăn về nhiều mặt vì sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thời điểm Tết Nguyên đán này, dù không còn lo lắng, sợ hãi như thời gian đỉnh dịch, nhưng họ sẽ đón cái tết với những điều mới mẻ, lạ lẫm.
Tranh thủ chút nghỉ ngơi sau những chuyến chạy Grab chiều cuối năm, Thanh Tùng - sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM tâm sự với phóng viên: "Năm hết tết đến, tâm trạng nôn nao lắm, không muốn đi làm, nhưng tết này chắc em không về. Quê em ở Bình Định, không cách ly người về từ Sài Gòn. Nhưng cả năm dịch dã, giờ mới bắt đầu kiếm được chút đỉnh, em ở lại ráng chạy xe kiếm thêm chút tiền gửi về cho ba mẹ. Ở quê cũng khó khăn lắm".
Văn Hoàng - cậu nhân viên quán cà phê trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quê ở Thanh Hóa), nói rằng tết này cậu sẽ không về quê. "Vậy là hai năm rồi em không về quê ăn tết" - Hoàng cho hay. Lý do cũng thật đơn giản: Không có tiền. Hoàng cho hay sẽ ở lại làm xuyên tết để kiếm thêm tiền. Quán có hai chi nhánh nên chủ cũng rất cần cậu ở làm làm việc, vì bây giờ tuyển được người làm là rất khó khăn.
Theo lời chị Thu, ở lại thành phố đón tết, gia đình chị cũng tiết kiệm được rất nhiều khoản, chỉ phải mua sắm những thứ cơ bản, không cầu kỳ bày vẽ cúng kiếng với quan điểm: Tết không chỉ để ăn mà còn phải nghỉ.
Không giống Tùng hay Hoàng, chị Tuyết Mai (quận 4) vừa ra Ga Sài Gòn mua vé tàu tết về Huế cho mẹ. Chị tạm thời chỉ mua một vé cho mẹ, còn gia đình nhỏ gồm vợ chồng chị và con gái vẫn còn lưỡng lự chưa mua, không biết có nên về hay không. Chị lo ngại nếu mua vé cho cả nhà rồi dịch bùng lên những ngày sát tết thì lại mất một khoản tiền hủy vé.
"Về được đến quê để sum họp với gia đình đã là niềm vui rất lớn, nhưng dịch thế này không nói trước được điều gì, đó là còn chưa biết về quê rồi có bị cách ly hay không nên gia đình tôi rất lưỡng lự. Nghỉ tết được có vài ngày, nếu về bị cách ly thì thôi, để khi nào hết dịch rồi về một thể" - chị Mai chia sẻ.
Sẽ là một cái tết nhẹ nhàng "bình thường mới"
"Chúng tôi đã dự tính chỉ mua bình hoa nhỏ chưng trong nhà, mua sẵn 1-2 chiếc bánh chưng, bánh tét, nấu nồi thịt kho, canh khổ qua là đủ cái tết".
Anh Nguyễn Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Không về quê, không dọn dẹp, hạn chế cỗ bàn, chúc tụng... nhiều gia đình ở TP.HCM đã sẵn sàng để đón một cái tết mới nhẹ nhàng và bình yên hơn.
Tranh thủ đưa con đi dạo "phố ông đồ" tại nhà văn hóa Thanh niên khi vắng người, anh Nguyễn Long (quận Bình Thạnh) cho biết, tết năm nay sẽ là một cái tết rất đơn giản với gia đình anh. Do thu nhập bị hạn chế, vợ chồng anh sửa soạn đón tết đơn giản nhất có thể. "Chúng tôi đã dự tính chỉ mua bình hoa nhỏ chưng trong nhà, mua sẵn 1-2 chiếc bánh chưng, bánh tét, nấu nồi thịt kho, canh khổ qua là đủ cái tết. Đợi xem có tiền thưởng tết hay không thì chúng tôi sẽ cho các con đi ăn nhà hàng một bữa, dạo phố 1-2 buổi chứ cũng không đến chúc tết nhà ai vì con mình nhỏ, chưa tiêm vaccine" - anh Long nói.
Nâng lên đặt xuống từng món hàng trong siêu thị, chị Mai Thuỷ (TP.Thủ Đức) cân nhắc từng thứ đồ để mua. Chị là công nhân may mặc, chồng làm cho một công ty tư nhân, đợt dịch vừa qua, cả nhà chị khá lao đao vì công ty dừng hoạt động do dịch bùng phát. "Tết không thể không sắm sửa, nhưng tôi chỉ mua những gì thật cần thiết thôi, hai vợ chồng mới đi làm lại được 1-2 tháng, tiền nong không dư dả để mua sắm cầu kỳ" - chị Thủy cho biết.
Thay vì hối hả đặt vé tàu xe, máy bay để về quê nội, quê ngoại ăn tết như các năm, bỏ ra tới cả chục triệu đồng tiền di chuyển qua lại, năm nay gia đình chị Hoài Thu (quận Tân Phú) quyết định ở lại thành phố đón tết. Không thể về sum họp bên gia đình hai bên cũng có chút luyến tiếc, vì cả năm nay anh chị không thể về quê do dịch bệnh triền miên, nhưng vì an toàn cho bản thân và gia đình, anh chị quyết định ở lại.
"Tôi sẽ gọi video về cho gia đình để chúc tết từ xa. Tết này chúng tôi sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho nhau, tận hưởng một kỳ nghỉ lễ theo đúng nghĩa đen của nó, không còn bị cuốn theo những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng hay những cuộc nấu cỗ, dọn dẹp cho cả họ hàng" - chị Thu tâm sự.
Không những thế, theo lời chị Thu, ở lại thành phố đón tết, gia đình chị cũng tiết kiệm được rất nhiều khoản, chỉ phải mua sắm những thứ cơ bản, không cầu kỳ bày vẽ cúng kiếng với quan điểm: Tết không chỉ để ăn mà còn phải nghỉ.
Điều những người mà phóng viên gặp gỡ và chia sẻ trong những ngày cuối năm có cùng tâm niệm là: Mình phải học cách thích nghi với hoàn cảnh, chấp nhận những cái mới, khác biệt là cách để mỗi chúng ta trưởng thành và cứng cáp hơn. Không ai biết sau con virus SARS-CoV-2, loài người sẽ còn phải đối mặt với những mầm họa gì, sức tàn phá khủng khiếp đến đâu? Thế nên, sẵn sàng đối mặt ngay từ bây giờ là cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của chính mình. Đón Tết ở đâu, làm gì không quan trọng, điều ý nghĩa nhất là bạn có thể tìm thấy niềm vui từ chính sự không hoàn hảo đó, vì một mùa tết bình an và hạnh phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.