Ở nơi này, nông dân nuôi những con bò to bự mà khá giả

Nguyễn Văn Minh Thứ tư, ngày 05/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Nhờ được tiếp cận kịp thời nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ gia đình nông dân nghèo tại xã Long Phước, TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi bò vỗ béo hiệu quả, từ đó thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá.
Bình luận 0

Chủ động, sáng tạo

Tại xã Long Phước, TP.Bà Rịa sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, Hội ND xã đã tham mưu cấp ủy tổ chức quán triệt rộng rãi đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên để nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội và ban hành Nghị quyết lãnh đạo việc nhận ủy thác của các đoàn thể chính trị - xã hội với Ngân hàng CSXH. 

Hội ND xã đã chủ động tham mưu cho UBND xã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo và bố trí điểm giao dịch tại xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn và Ngân hàng CSXH trong thực hiện giao dịch.

Thoát nghèo nhờ có vốn nuôi bò vỗ béo - Ảnh 1.

Từ chăn nuôi bò vỗ béo, gia đình anh Trần Văn Hùng có thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Văn Minh

Nhằm phát huy hiệu quả vốn vay tín dụng ưu đãi, thời gian tới, Hội ND xã Long Phước tiếp tục thực hiện chặt chẽ việc bình xét, lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay, Hội ND xã sẽ phối hợp tổ chức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tổ, nhóm; hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng và nhân rộng các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững, làm kinh tế hiệu quả.

Song song với việc tham mưu cho cấp ủy và chính quyền, Hội ND xã còn tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 40 đến hội viên, nông dân và từng thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) cùng với phổ biến những quy định, chương trình vay vốn từ Ngân hàng CSXH.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 đã tạo sự chuyển biến rõ nét về sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền xã đã coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Về phía Hội ND xã thường xuyên kiểm tra hoạt động của Tổ TKVV và việc sử dụng vốn vay, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả. 

Cán bộ hội cũng như tổ trưởng Tổ TKVV tích cực tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, quy trình vay vốn do ngân hàng tổ chức. Cán bộ tín dụng thường xuyên gặp gỡ cán bộ hội và tổ trưởng Tổ TKVV để trao đổi, phân tích những khâu còn yếu, hạn chế trong công tác ủy thác và hướng dẫn cách khắc phục, từ đó trình độ, năng lực và nhận thức về tín dụng CSXH của cán bộ hội và tổ trưởng Tổ TKVV ngày được nâng cao.

Đến thời điểm hiện tại, Hội ND xã Long Phước đang nhận ủy thác hơn 20 tỷ đồng vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH tỉnh thông qua 11 Tổ TKVV với 587 hộ vay. 6 chương trình tín dụng ưu đãi được ủy thác cho vay là: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm; trong đó nguồn cho vay giải quyết việc làm chiếm 36,7% trên tổng dư nợ.

Nhiều hộ nghèo có vốn làm ăn

Gia đình anh Lê Văn Nhỏ được xét là hộ nghèo chuẩn quốc gia. Để giúp anh có điều kiện thoát nghèo, Hội ND xã bảo lãnh tín chấp cho anh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH tỉnh. Cùng với số tiền dành dụm được, anh đã mua một con bò cái giống để nuôi và thuê thêm đất để trồng hoa màu. 

Sau 2 năm đàn bò của anh Nhỏ phát triển được 3 con. Anh Nhỏ đã bán 3 con bò được 65 triệu đồng và thuê thêm 1ha đất chuyển sang trồng rau hẹ theo hướng an toàn. Từ trồng hẹ, anh Nhỏ có thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm.

Anh Nhỏ phấn khởi nói: "Nhờ vào những đồng vốn ban đầu của Ngân hàng CSXH, đến nay, gia đình tôi đã thuê được 1,8ha đất trong 10 năm để trồng tre lấy măng, cây ăn quả na, tắc. Đồng thời tôi cũng làm thêm nghề thu mua, chế biến tỏi, củ hành, ớt, sả để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn. Hiện tại, gia đình tôi có thu nhập của gia đình hơn 200 triệu đồng/năm".

Anh Trần Văn Hùng là hộ nghèo của tỉnh, qua bảo lãnh của Hội ND xã, gia đình anh được Ngân hàng CSXH giải ngân 30 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm. Có vốn, anh Hùng đã thuê 2.000m2 đất trồng cỏ và mua 2 con bò sinh sản để nuôi.

Sau 3 năm chăn nuôi, đàn bò của anh Hùng đã phát triển được 6 con bò sinh sản và bò thịt. Nhận thấy nghề nuôi vỗ béo bò thịt cho lợi nhuận cao nên anh đã chuyển sang chăn nuôi bò thịt vỗ béo.

Anh Hùng phấn khởi cho biết: Hiện tại lúc nào trong chuồng bò của anh cũng có từ 6 - 8 con bò thịt để cung cấp cho thị trường. Từ chăn nuôi bò vỗ béo đã cho gia đình anh thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm.

Hộ anh Nguyễn Thanh Phong là hộ nghèo của tỉnh, qua tín chấp của Hội ND xã được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của anh đã phát triển được 16 con bò, trong đó có 12 con bò sinh sản. Anh Phong chia sẻ, tuy bò sinh sản hiện nay giá không cao nhưng với phương pháp chăn nuôi khép kín thì trong một năm, thu nhập của gia đình anh từ bán bò giống, bò thịt cũng trên 100 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem