Ở vùng đất ven sông Cổ Chiên, có 2 thứ cây ưa loại đất sét làm gạch, gốm, cứ dúi xuống là có tiền

Thứ ba, ngày 22/03/2022 05:45 AM (GMT+7)
Trên vùng đất sét ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít và Long Hồ (Vĩnh Long), qua quá trình canh tác, dân ruộng rẫy nơi đây đã chọn ra được loại cây trồng thích hợp cho vùng đất này ngoài khai thác đất sét để làm gạch, gốm và trồng lúa,... Đó là cây khoai mỡ và củ cải trắng.
Bình luận 0

Mô hình trồng khoai mỡ đạt sản phẩm OCOP ở Vĩnh Long

Ở huyện Mang Thít, khoai mỡ được trồng trên đất ruộng với diện tích 105ha, tập trung nhiều ở ấp An Hưng (xã Mỹ An) và ấp Long Phước, Long Hòa 1 và 2 (xã Long Mỹ).

Có 2 giống khoai mỡ được trồng nhiều nhất là khoai Thục Linh (ruột trắng) và khoai Muống (ruột tím than), bởi các giống khoai này vừa có chất lượng ngon vừa được người tiêu dùng ưa thích vừa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và lại cho năng suất cao.

Anh Võ Văn Mừng, công chức địa chính- xây dựng xã Mỹ An cho biết, cây khoai mỡ đã có mặt ở đây từ trước năm 2000, khi đó chỉ có vài hộ trồng với diện tích nhỏ vài ba công, dần dà thấy được hiệu quả kinh tế và tính thích nghi tốt với vùng đất sét nơi đây nên nông dân ngày càng mở rộng trồng, đến nay toàn xã có 40ha khoai. 

Thời gian để cây khoai mỡ trưởng thành và cho thu hoạch củ từ 5- 6 tháng, mỗi năm trồng được 1 vụ, năng suất bình quân 30 tấn/ha, nếu áp dụng kỹ thuật tốt có thể đạt từ 42- 43 tấn/ha. 

Với mức giá 7.000- 8.000 đ/kg, mỗi hacta khoai bà con thu khoảng 100- 120 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lời từ 50- 60 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với canh tác 3 vụ lúa trên cùng diện tích.

Điều thuận lợi hơn là bà con được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật trồng, tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. 

Vào đầu năm 2021, sản phẩm khoai mỡ An Hưng của Hợp tác xã Nông nghiệp An Hưng được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận sản phẩm đạt từ 3 sao thuộc Chương trình OCOP của tỉnh. 

Đây là điều kiện tốt giúp nông dân chuyển dần từ sản xuất cá thể sang các hình thức hợp tác để tiện việc quản lý, đầu tư và liên kết tiêu thụ.

Trồng màu ở... "vương quốc gạch, gốm" - Ảnh 1.

Nông dân ở xóm rẫy Long Phước (xã Long Mỹ- Mang Thít, Vĩnh Long) thu hoạch củ cải trắng. Ảnh: M.T

Trồng củ cải trắng theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Vĩnh Long có thu nhập khá

Củ cải trắng được trồng chuyên canh tại các xã: Thanh Đức (Long Hồ), Long Mỹ và Mỹ An (Mang Thít) với gần 90ha (vào cuối năm 2020). 

Cây màu này rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn (40- 45 ngày kể từ khi gieo hạt xuống đất). Ở Mang Thít, nông dân có thể trồng liên tục 5- 6 vụ/năm, còn ở Long Hồ phổ biến 3 vụ/năm.

Anh Võ Văn Mừng ở xã Mỹ An cho hay, xã có 5ha trồng củ cải trắng ở ấp An Hưng, năng suất bình quân thu được 2,4- 2,6 tấn/công/vụ, nếu chủ động được nước, chăm sóc tốt, không bị thúi củ có thể đạt từ 30- 40 tấn/ha/vụ.

Vụ cải thu hoạch hồi cuối tháng 11/2021 với giá bán khá cao từ 9.000- 10.000 đ/kg, doanh thu bình quân 250 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí (50-60% doanh thu), nông dân còn lời từ 100- 120 triệu đồng/ha/vụ.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ thực hiện các biện pháp để thúc đẩy làng nghề trồng củ cải trắng ở đây phát triển.

Năm 2017, Phòng NNPTNT huyện Mang Thít đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây củ cải trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP” với 10ha và 23 hộ tham gia, đồng thời thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ củ cải trắng Long Mỹ.

Tháng 1/2018, tổ hợp tác này đã được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó đến nay, tổ hợp tác vẫn duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn này; nông dân đã nắm bắt những kiến thức về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất…

Đến nay, cây củ cải trắng đã sản xuất theo VietGAP và sản phẩm khoai mỡ cũng được công nhận OCOP, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thị trường, vì vậy địa phương kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mỹ Trung (www.baovinhlong.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem