Mỗi ngày, ông Thiện, bà Bình ở xóm 5, Diễn Trường (Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) kiếm được từ 300.000-500.000 đồng từ việc bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái.
Nông dân ra đồng diệt ốc bươu vàng hại lúa. Ảnh: Thanh Phúc.
Trước đây, hai ông bà chỉ bắt ốc bươu vàng trên mấy sào ruộng của gia đình để ngăn ốc hại lúa. Lượng ốc bắt được, chủ yếu về đập vỏ, lấy ruột cho gà, lợn ăn, hôm nào bắt được nhiều thì đào hố, rắc vôi và chôn lấp.
Mấy năm gần đây, khi có thương lái thu mua, ông bà lại có thêm nghề bắt ốc bươu vàng. Bắt hết ốc ruộng nhà, ruộng trên địa bàn xã, ông bà lại đi sang các xã khác, thậm chí huyện khác để bắt ốc. Có những ngày, hai ông bà bắt được hàng tạ ốc.
“Ruộng lúa nào cũng đầy ốc bươu vàng. 1 giờ đồng hồ có thể bắt được 20 kg ốc, ban ngày nắng nóng thì đi bắt ban đêm. Trung bình mỗi ngày bắt được 1,5-2 tạ ốc, bán cho thương lái với giá 3.000 đồng/kg, mang lại thu nhập kha khá”, bà Bình cho biết.
Chỉ trong vòng 4 ngày đầu tháng 7, nông dân xã Thượng Sơn (Đô Lương) đã bắt được 12 tấn ốc bươu vàng trên đồng ruộng của địa phương. Trong đó, có 6 tấn được bán cho thương lái với giá 2.000 đồng/kg; lượng ốc còn lại, được người dân chế biến thành thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Ông Nguyễn Tất Hảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Sơn (Đô Lương) cho biết: “Ốc bươu vàng trên các ruộng lúa, đầm, ao nhiều vô kể. Xác định nếu không tiêu diệt sớm thì sẽ trở thành vấn nạn, gây hại mùa màng. Lúa vừa lên xanh là ốc bươu vàng cắn ngang thân, phải gieo cấy lại, rất vất vả và tốn kém.
Do đó, Hội Nông dân xã đã tổ chức phát động toàn dân ra quân diệt ốc bươu vàng; đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phát thanh, qua Zalo, Facebook kêu gọi người dân bắt, xử lý ốc bươu vàng.
Đồng thời, Hội Nông dân xã kết nối với thương lái, thu mua ốc bươu vàng cho người dân. Vừa bắt ốc bảo vệ lúa, vừa có thêm thu nhập nên người dân hưởng ứng rất tích cực”.
Ở các địa phương khác như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Yên Thành… việc thu mua ốc bươu vàng đã diễn ra nhiều năm gần đây.
Nhờ có thương lái thu mua, tiêu thụ nên người dân đã tích cực trong việc bắt ốc bươu vàng, ngăn nạn ốc bươu hại lúa, lấn chiếm nơi sinh sống của các sinh vật khác, gây mất cân bằng sinh thái.
“Trước đây, ốc bươu vàng bắt được thì chỉ một phần nhỏ được người dân tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi, còn nữa đổ ra đường để xe cán nát, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa ô nhiễm môi trường. Nay bà con bắt được chừng nào, nhập luôn cho thương lái nên không còn tình trạng đổ ốc bươu vàng bừa bãi nữa”, ông Nguyễn Xuân Cấp, ở xóm 7, xã Thượng Sơn (Đô Lương), cho biết.
Trung bình mỗi ngày, chị Hồ Thị Lịch ở thôn 5, xã Diễn Trường (Diễn Châu) thu mua từ 13-15 tấn ốc bươu vàng cho người dân các địa phương: Diễn Châu, Quỳnh Lưu với giá 3.000 đồng/kg. Ngoài người dân đến nhập trực tiếp tại cơ sở, chị còn thuê thêm 3 lao động khác thu gom ốc ở các nơi; thuê nhân công rửa ốc với ngày công từ 500.000-700.000 đồng/người/ngày.
Ốc sau khi được thu mua sẽ cho vào bao loại 50 kg, được tưới nước rửa sạch để thương lái vận chuyển vào Phú Yên tiêu thụ.
“Cơ sở chúng tôi thu mua ốc bươu vàng đã vài năm nay. Chúng tôi thu mua không giới hạn số lượng và mua quanh năm. Ốc bươu vàng được các thương lái ở Phú Yên, An Giang, Cà Mau mua về làm thức ăn cho tôm hùm, cá ba sa, chế biến thức ăn chăn nuôi và làm thực phẩm” - chị Lịch cho biết.
Dễ bắt, bán được giá, cho thu nhập khá nên bắt ốc bươu vàng đã trở thành nghề phụ của nhiều nông dân.
"Việc thu gom ốc bươu vàng bán cho thương lái là việc lợi cả đôi đường khi vừa bảo vệ được mùa màng, nông dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tuyên truyền và khuyến cáo người dân không được nuôi trồng dưới tất cả các hình thức, bởi trong sản xuất nông nghiệp ốc bươu vàng là sinh vật ăn tạp và gây hại cho cây lúa" - ông Phan Duy Hải - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.