Với những kết quả đáng ghi nhận trong 3 năm qua (2018- 2020), việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo nên nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhìn lại hành trình gần 3 năm triển khai Chương trình OCOP, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhận định: "Chương trình OCOP đã trở thành một phong trào rộng khắp với sức lan tỏa mạnh mẽ". Minh chứng là đến nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành quyết định phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Trong đó hơn 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho sản phẩm OCOP. Kết quả, gần 3.000 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, Chương trình OCOP đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất theo kinh tế thị trường. Từ đó, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn.
"Thời gian qua, Chương trình OCOP đã tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường
Điển hình như tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhằm phát triển nghề trồng sen truyền thống, HTX Sen Quê Bác đã đầu tư đồng bộ nhiều máy móc, dây chuyền, thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ sen như hạt sen sấy khô, sữa hạt sen, trà ướp bông sen, kim chi sen, củ sen muối, gối sen… Sau khi có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2019, HTX tiếp tục cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại xã Nguyên Phúc (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn), sau khi tham gia Chương trình OCOP, HTX Hương Ngàn - chủ thể sản phẩm tinh dầu sả - đã nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, đầu tư thiết kế bộ nhãn mác phù hợp để sản phẩm tiếp cận tốt với thị trường.
Qua đó, Chương trình OCOP cũng đã trở thành động lực để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc sản, truyền thống ở khu vực nông thôn mỗi vùng miền, chẳng hạn như chè, dược liệu ở miền núi phía Bắc; sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ở đồng bằng sông Hồng; thủy sản, các loại mắm ở các tỉnh ven biển; lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Xây dựng thành sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp
Theo định hướng của Bộ NNPTNT, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Cùng với đó, Chương trình OCOP được xác định là một trong những giải pháp nhằm đưa sản phẩm của hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của các vùng miền... trở thành sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Chị Chau Ngọc Dịu - chủ thương hiệu mật thốt nốt Palmania (sản phẩm được tỉnh An Giang đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia) chia sẻ: "Nhờ Chương trình OCOP mà mình có thêm nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm đường thốt nốt vốn là đặc sản của đồng bào người Khmer vùng Bảy Núi".
Thông qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương đã khẳng định được giá trị, tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phấn khởi cho biết: "Đã có rất nhiều tập đoàn, các chuỗi siêu thị lớn như BigC của Tập đoàn Center Group, Mega Market, Saigon Co.opmart, Aeon… đưa sản phẩm OCOP lên kệ hàng. Có những sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn OCOP 3 sao là nghiễm nhiên vào được hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, tại các địa phương, hàng loạt các cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm OCOP đã hoạt động".
Chưa dừng lại tại đó, không ít sản phẩm OCOP còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, như miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê mật ong của tỉnh Sơn La, quế điều Đào Thịnh của tỉnh Yên Bái, bột rau má của TP.HCM, gạo nếp tím Gò Gòn của tỉnh Long An… Theo thống kê của Bộ NNPTNT, đa số các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ 10 - 40%.
Đặc biệt, không ít sản phẩm OCOP đã được nâng cấp để trở thành các sản phẩm quà tặng sang trọng, "xứng đáng là món quà để Việt Nam gửi đến bạn bè quốc tế" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Động lực để phát triển
Được coi là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ Chương trình OCOP, các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về sinh kế, thu nhập được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, thu nhập người dân vùng nông thôn năm 2020 dự kiến đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Điển hình như sản phẩm quế điếu của HTX quế hồi Đào Thịnh tại huyện Trấn Yên (Yên Bái) là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, HTX đã thực hiện liên kết với nông dân để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu quế hữu cơ từ 2,5ha ban đầu lên hơn 500ha. Nhờ vậy mà nhiều người dân có công việc ổn định, thu nhập được cải thiện.
Một trong những điểm nhấn của Chương trình OCOP đó là đã thể hiện được sự phù hợp về định hướng, chính sách nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, kể cả các địa phương vùng miền núi, vùng khó khăn…
Đến nay, rất nhiều địa phương ở những vùng khó khăn lại triển khai Chương trình OCOP rất tốt, trong đó phải kể đến Sơn La, Hà Tĩnh, Đăk Lăk, Đăk Nông, Sóc Trăng... Khi triển khai Chương trình OCOP, các địa phương này đã lựa chọn được các nhóm sản phẩm đặc sản, truyền thống, từ đó biến lợi thế bản địa thành những sản phẩm hiện hữu.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi tạo nên động lực để phát huy vai trò của nhóm người yếu thế trong xã hội, bao gồm phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật… Theo khảo sát, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm đến 32,2%. Con số này cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam. Mặt khác, hơn một nửa sản phẩm OCOP hiện nay là của các vùng khó khăn, phần lớn chủ thể là đồng bào dân tộc thiểu số.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.