Đó là nguyên văn câu nói đầy "cay đắng" mà tôi vô tình đọc được trên tường facebook của một nhà giáo nổi tiếng sau cái tin nhắn "Ok " tưởng rất bình thường của một giáo viên già nhưng lại gây ra những ầm ĩ không đáng có trên mạng xã hội mấy ngày qua.
Trên một diễn đàn liên quan đến giáo dục. Một phụ huynh nọ có con bị ốm bèn nhắn tin cho cô giáo với nội dung: "...Tôi xin phép cho cháu nghỉ vì bị sốt phải đi khám. Khi đi học lại tôi xin gửi giấy phép tới nhà trường sau. Xin cảm ơn cô!”.
Tin nhắn Ok giữa cô giáo và phụ huynh.
Thông tin mà tôi được biết cô giáo này đã ngoài 50 tuổi và vị phụ huynh "tố" cô mới có 30 tuổi.
Có người mạnh miệng thì phán rằng: "Cô giáo nhắn tin như vậy là thiếu chuẩn mực, không tôn trọng phụ huynh, là giáo viên mà trả lời cụt ngủn như vậy thì làm sao dạy trẻ về đạo đức "gọi dạ, bảo vâng" được?".
Người dễ tính hơn thì cằn nhằn: "Lẽ ra cô giáo phải gọi ngay lại cho phụ huynh để hỏi han xem học trò của mình bị ốm thế nào hoặc ít nhất cũng phải lịch sự nhắn được câu: Ok anh/ chị hoặc "được ạ"; "cô đã nhận"
Điều đáng nói, sự việc này xảy ra chỉ ít ngày sau khi một nam sinh ở Ninh Bình vừa nhảy từ lầu 3 xuống tầng 1 chỉ vì bị cô giao tịch thu điện thoại khi phát hiện nam sinh này sử dụng trong lớp học.
Hai câu chuyện khác nhau về việc sử dụng điện thoại trong giờ học với 2 đối tượng khác nhau là giáo viên và học sinh nhưng cái kết thì vô cùng giống nhau: người có lỗi, người bị lên án, chỉ trích, ném đá không ai khác chính là giáo viên. Vì sao vậy?
Để trả lời được câu hỏi vì sao, xin hãy nghĩ về câu hỏi này trước: "Bạn cần gì ở giáo viên của con?". - Dạy con học kiến thức, kỹ năng, đạo đức; Quản lý con để tránh xảy ra tai nạn hay vừa dạy con ở trường vừa phục vụ theo sở thích của bố mẹ? Hay cần ngay lập tức hỏi han khi nghe tin con bạn ốm bất chấp đó là thời gian thầy cô đang trên bục giảng?"
Theo quy định của ngành giáo dục, trong giờ học, giáo viên và học sinh không được sử dụng điện thoại di động chính vì vậy việc cô giáo thấy tin nhắn xin phép của phụ huynh và đã cố gắng trả lời ngắn gọn trong lớp để phụ huynh yên tâm đã là hành động vi phạm nguyên tắc.
Chưa kể, cô giáo này cũng ngoài 50 tuổi, liệu có sành công nghệ để nhắn tin dài dằng dặc đủ câu chữ như vị phụ huynh thế hệ 8X kia mong muốn được không?
Chưa kể mỗi lớp hiện có từ 50 - 60 học sinh cô giáo chỉ cần dành ra vài phút để nhắn tin chít chít thì lớp học liệu có ổn?
Trước đây, nếu học sinh muốn xin phép nghỉ học vì ốm, có việc bận, bố mẹ phải trực tiếp viết "Đơn xin nghỉ học" và mang đến tận trường gửi cho cô giáo.
Thời buổi công nghệ, phụ huynh chỉ cần nằm nhà bấm điện thoại với vài dòng ngắn ngủi là cũng có thể xin phép nghỉ học cho con rồi. Câu hỏi đặt ra là tại sao không “phán xét” hành động "lười biếng" và sai nguyên tắc của phụ huynh mà lại quay ra chỉ trích cô giáo một cách thậm tệ như vậy?
Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.
Một giáo viên đã từng than thở với tôi rằng đã nhiều lần cô chỉ muốn vứt bỏ trường, lớp, học sinh, muốn về quê trồng một mảnh vườn, buôn bán một cái gì đó cho... nhẹ đầu. Cô nói rằng, chưa bao giờ cô thấy nghề giáo rẻ rúm, bị khinh miệt và có quá nhiều áp lực như vậy. Sinh viên sư phạm thì điểm đầu vào... chạm đáy, cử nhân sư phạm thì thất nghiệp nhiều, người có việc thì vật vã vì đồng lương thấp, vật vã vì vừa phải dạy vừa phải "rình rập" để tìm xuất vào biên chế, người may mắn vào được biên chế, ổn định rồi thì nay bị học sinh đe, mai bị phụ huynh dọa.
Có cô giáo nói rằng, giải pháp "an toàn" nhất trên lớp là... đừng có động đến học sinh. Bởi lẽ, con của các bậc cha mẹ thời nay là vàng, là ngọc, con hư cô không dám phạt, không dám quát vì sợ bị phụ huynh sẽ lên trường làm ầm ĩ, rồi quẳng những status chua chát lên mạng xã hội để xâu xé. Và cái kết là bất kỳ lúc nào thầy cô cũng có nguy cơ ra đường và sẵn sàng... "mất dạy" như chơi. Cay đắng lắm, áp lực lắm!
Vì vậy đã đến lúc đừng tạo thêm áp lực cho thầy cô, thầy cô đúng không phải là thánh, không phải là nhân viên chăm sóc khách hàng. Họ không thể vừa dạy tốt, vừa truyền đạt kiến thức, đạo đức kỹ năng vừa "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" những cô chiêu, cậu ấm như cách mà bố mẹ đang làm với các con của mình ở nhà. Xin để giáo viên bình yên trên bục giảng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.