Ồn ào ở chốn tâm linh Kỳ cuối: Gian nan đòi lại nơi thờ tự

Thứ ba, ngày 02/11/2010 15:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi đi gặp lãnh đạo xã Phú Lão để phản ánh những bức xúc của gia đình ông Bùi Văn Túc, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan đã bị Bí thư Đảng ủy xã "hành" và khóa cửa trụ sở không cho về.
Bình luận 0
img
Chiếc hộp đồng nặng120kg đựng 10 sắc phong cổ tại nhà thờ họ Bùi.

Nhốt đại biểu Quốc hội

Đầu xuân năm 2010, bà Phạm Thị Loan - đại biểu Quốc hội khóa XII, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội trong dịp về thăm Đền Mẫu ở xã Phú Lão đã biết được nỗi bức xúc của dòng họ Bùi mà đại diện là ông Bùi Văn Túc.

Sau khi xem xét các tài liệu có liên quan, bà Loan tranh thủ vào gặp lãnh đạo xã Phú Lão với dự định tìm hiểu thực hư về vấn đề gia đình ông Túc khiếu nại, đồng thời góp ý trực tiếp trong công tác điều hành quản lý vấn đề văn hóa tâm linh tại khu vực. Thế nhưng ông Bí thư Đảng ủy Trần Đình Thú đã xua tay không tiếp.

Khi bà đang làm việc với Chủ tịch UBND xã Mầu Văn Tiên thì có 2 đồng chí công an đến đòi kiểm tra giấy tờ. Đang trao đổi thì ông Chủ tịch đi ra ngoài, thấy thái độ của lãnh đạo xã như vậy, bà Loan định ra về thì thấy cổng ngoài của UBND xã đã bị khóa. Chỉ đến khi Bí thư Huyện ủy huyện Lạc Thủy Trần Văn Tiệp xuất hiện và mời bà Loan về thăm Huyện ủy thì ông Thú mới cho mở cổng trụ sở Ủy ban.

Trong lá đơn gửi lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan đề nghị xem xét giải quyết trường hợp khiếu nại của ông Bùi Văn Túc: "Qua thực tế tìm hiểu và xem xét các bản Sắc phong, Ngọc phả dòng họ và ngôi đền thì tôi thấy ngôi đền này đã có từ nhiều thế kỷ nay và được giao cho dòng họ Bùi làm thủ đền.

Tuy nhiên, nay UBND xã đã đuổi gia đình ông Túc ra ngoài không cho vào trông nom đền mà không có sự đồng thuận là 1 điều thiếu đạo lý. Chúng tôi cũng không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để UBND xã làm như vậy. Tôi xin gửi đơn của ông Túc tới đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình để xem xét giải quyết theo thẩm quyền đảm bảo hài hòa vấn đề tâm linh với vấn đề văn hóa, đồng thuận mối quan hệ giữa chính quyền và gia đình, dòng tộc, phù hợp với Luật Di sản văn hóa".

Ngày 30 - 9 - 2010, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 1514/UBND-TCD trả lời bà Phạm Thị Loan. Theo đó, ngày 26 - 4 - 2010, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy có Thông báo số 62/TB-UBKT ghi rõ:

"Yêu cầu đồng chí Trần Đình Thú nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước tổ chức Đảng về phong cách, thái độ trong giao tiếp, ứng xử khi làm việc với bà Phạm Thị Loan và trách nhiệm cá nhân trong việc chỉ đạo cấp dưới không mở cổng trụ sở để cho xe ô tô của bà Loan đi".

Tuy nhiên về vấn đề ngôi Đền Mẫu của dòng họ Bùi ở Phú Lão thì UBND tỉnh Hòa Bình cho biết UBND xã Phú Lão đã xem xét, giải quyết theo thẩm quyền tại Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 9 - 4 - 2010. Cũng vì không đồng ý với những lý lẽ trong quyết định này, ông Bùi Văn Túc tiếp tục có đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện và cấp tỉnh đề nghị giải quyết.

Việc xưa nay hiếm

Ông Túc bức xúc: "Tại Quyết định số 49/QĐ-UBND xã Phú Lão thừa nhận việc "Họ Bùi làm thủ từ từ lâu đời như đơn nêu là có thật". Như vậy, chính UBND xã cũng đã thừa nhận việc dòng họ nhà tôi đã liên tục quản lý và trông coi Đền Mẫu từ các triều đại phong kiến trước đây.

Ngày 12 - 3 - 1994, tôi đã được UBND xã Phú Lão chứng nhận là thủ từ Chùa Tiên và Đền Mẫu và là con cháu dòng họ Bùi thứ 14 do có Gia phả để lại, có dấu và chữ ký của HTX lâm nghiệp Lão Ngoại do ông Chủ nhiệm, Trưởng thôn Màu Thanh Hiền ký. Căn cứ theo điều 190, 191, 193, 247 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì gia đình tôi hoàn toàn đủ căn cứ pháp luật để tiếp tục quản lý, trông nom Đền Mẫu".

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đinh Văn Lục - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lão - khẳng định:

"Đây là bước đầu trong công tác quản lý các hoạt động văn hóa tâm linh tại địa phương. Các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong xã được huyện giao trách nhiệm quản lý, tổ chức từ năm 2004. Từ đó, các thủ từ, thủ nhang ở điểm nào vẫn giao cho điểm đấy có trách nhiệm để trông coi, bảo vệ và tiếp nhận công đức.

Qua nhiều năm, thấy việc quản lý không đảm bảo nên năm 2010 BCH Đảng ủy xã đã ra nghị quyết đưa 3 điểm thờ tự, trong đó có Đền Mẫu, để Ban quản lý di tích trực tiếp quản lý và tiếp nhận công đức. Sau khi nhận được đơn của ông Túc, UBND xã đã có Quyết định số 49 trả lời những khiếu nại của gia đình ông. Ông Túc tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, hiện tại UBND huyện đã cho thành lập đoàn thanh tra về sự việc này".

Ông Đỗ Viết Trường - Chánh thanh tra huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Ngay sau khi ông Bùi Văn Túc có đơn khiếu nại Quyết định số 49/QĐ-UBND của UBND xã Phú Lão, Thanh tra huyện đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra do ông Bùi Thanh Sơn - Phó Chánh thanh tra huyện - làm trưởng đoàn. Vụ việc này rất phức tạp và hy hữu vì ngoài pháp luật còn liên quan đến cả vấn đề tâm linh. Tôi nghĩ Thanh tra huyện cần phải xin ý kiến của Ban Tôn giáo Tỉnh ủy và Ban Tôn giáo Chính phủ để có thể đưa ra một cách giải quyết hợp tình hợp lý"

Kết luận số 86/KL-TTr ngày 28 - 7 - 2010 của Thanh tra tỉnh Hòa Bình về việc quản lý, sử dụng các nguồn thu từ Quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Chùa Tiên, trong đó có Đền Mẫu của dòng họ Bùi: Quần thể có 22 điểm di tích, trong đó có 6 điểm động, đền do nhân dân tự ý lập ban thờ, đưa tượng Phật, chùa, bát hương và các đồ thờ tự vào khai thác nhằm thu tiền công đức, tiền giọt dầu để tư lợi. Qua thanh tra giai đoạn 2005 - 2010 phát hiện trích nộp thiếu hơn 200 triệu đồng, chi sai nguồn và sai nguyên tắc, mục đích hơn 200 triệu đồng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem