Ôn lại một thời hào hùng

Thứ năm, ngày 19/08/2010 05:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ký ức còn nguyên sự tươi sáng trong những chứng nhân lịch sử, lại có dịp được truyền lửa cho thế hệ trẻ. Đó là cuộc giao lưu do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức chiều 18-8, nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Bình luận 0
img
Các khách mời tham dự giao lưu “Hà Nội - Nhớ về mùa thu tháng Tám”.

Những người còn lại của một giai đoạn mà Trung tướng Phạm Hồng Cư gọi là “Thế hệ của một lời thề” đã kể lại, chân thành và nhiệt huyết về những thời khắc trọng đại mà chính họ là người trong cuộc.

Đại tướng Nguyễn Quyết – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, năm 1945 khi mới 23 tuổi, ông đã giữ trọng trách là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nhớ lại: Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công không đổ máu và đó là điểm rất độc đáo. Khi chúng tôi tấn công, ngụy quân ngụy quyền đầu hàng vô điều kiện. Về sau chúng tôi biến họ thành lực lượng tham gia cách mạng. Ngay cả khi Nhật định đưa quân chiếm lại, chúng tôi sử dụng chính trị, ngoại giao, vào tận đại bản doanh của họ để thuyết phục. Sự khôn khéo, mềm dẻo đã tránh được chiến sự.

Ông Lê Đức Vân – nguyên Uỷ viên Ban Thanh vận Thành uỷ Hà Nội còn nhớ như in cuộc phá lễ mít tinh ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim của Tổng hội viên chức chiều 17-8-1945 tại Nhà hát Lớn. Hôm đó mỗi hội viên cứu quốc mang một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ trong người. Cuộc mít tinh trở thành hoạt động của cách mạng và biến thành cuộc biểu tình lớn...

Giao lưu với các bậc lão thành cách mạng, nhiều bạn trẻ được biết thêm Đại tá Lê Trọng Nghĩa – nguyên Uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội, khi đó cũng còn rất trẻ nhưng đã là cán bộ Việt Minh được cử đi gặp gỡ các lãnh đạo của Phủ Khâm sai Bắc bộ, Chính phủ Trần Trọng Kim và các sĩ quan Nhật để thương thuyết, tìm những giải pháp có lợi cho cách mạng.

Liên hệ đến cuộc gặp gỡ các chiến sĩ Việt Minh tại Thành uỷ Hà Nội vào ngày 17-8 vừa qua (nay chỉ còn hơn 200 người), nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Theo quy luật tự nhiên, khi người cuối cùng ra đi, tất cả những gì ở lại sẽ là ký ức. Những người nghiên cứu lịch sử thu giữ và truyền trao ký ức ấy để thế hệ sau biết, tôn vinh, tri ân và quan trọng là tiếp bước.

Trước những chứng nhân, những bài học lịch sử, mong sao thế hệ trẻ không “kính nhi viễn chi”, không nhớ lịch sử bằng trí nhớ thô thiển, mà cần tìm đến nghĩa lý sâu sắc của nó để ứng dụng trong đời sống hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem