Ông bố của 127 đứa trẻ kém may mắn

Trần Hiền Thứ sáu, ngày 11/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Bằng tình yêu thương của mình, 16 năm qua, ông Đinh Minh Nhật (57 tuổi, thôn 1, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vừa làm cha, làm mẹ và làm thầy dạy dỗ, nuôi dưỡng 127 đứa trẻ...
Bình luận 0

Ngôi nhà của người cha già cùng 127 người con nằm lọt thỏm giữa ngôi làng xứ đạo. Con đường vào nhà thầy Nhật quá đỗi quanh co, thế nhưng chỉ cần hỏi "thầy Nhật nuôi trẻ" là ai cũng biết, cũng giành nhau chỉ đường.

Vừa làm cha, làm mẹ, làm thầy

Được bà con xã Ia H'Lốp nhiệt tình chỉ đường, chúng tôi dễ dàng tìm đến nhà thầy Đinh Minh Nhật. Suốt 16 năm qua, ông chính là người đã cưu mang, nuôi dưỡng, dạy dỗ 127 đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi không nơi nương tựa… Nhiều đứa trẻ trong số đó đã trưởng thành học đại học, cao đẳng, học nghề…

Nói về lý do bắt đầu việc nuôi dạy các em nhỏ cách đây 16 năm, ông Đinh Minh Nhật bồi hồi nhớ lại.

Ông bố của 127 đứa trẻ kém may mắn - Ảnh 1.

Ông Nhật không lập gia đình. Ông dành toàn bộ thời gian để làm rẫy và chăm sóc các bé tại mái ấm. Các con ở nhiều độ tuổi khác nhau và hiện nay, cháu lớn đã có thể hỗ trợ chăm sóc cháu bé.

"Sau này khi ra trường em sẽ trở lại mái ấm phụ giúp thầy nuôi dưỡng các em. Nguyện vọng duy nhất của em là mong thầy luôn khỏe mạnh để sau này chúng em có thể đền đáp công ơn".

Em Hồ Thị Ngọc Sang - sinh viên Trường ĐH CNTT tại TP.HCM

"Nếu nói về cơ duyên tôi đến với các con, thật ra là một câu chuyện buồn mà tôi không hề muốn nhớ tới. Câu chuyện được bắt đầu từ năm 2005, sau khi từ TP.HCM về xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhậm chức linh mục. Trong một lần chứng kiến một phong tục lạc hậu, khi sinh con ra, người mẹ không may chết đi, đứa bé sẽ bị chôn sống theo mẹ, tôi chỉ có suy nghĩ nghĩ duy nhất là có thể cứu được những đứa trẻ ấy. Sau một hồi thương thảo, già làng chấp nhận đổi đứa trẻ bằng một con lợn để cúng Giàng. Khi đưa đứa bé về, tôi nghĩ nhiều người muốn nhận nuôi nhưng họ lại kén chọn, phải đẹp mới nuôi... Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi quyết định tự tay mình sẽ nuôi con khôn lớn" - ông Nhật nhớ lại.

16 năm qua, theo ông Nhật, mỗi đứa trẻ đến với ông luôn là một câu chuyện trớ trêu của số phận. Câu chuyện nào cũng ướt đẫm nước mắt. Có những đứa trẻ bị bỏ nằm lạnh lẽo ngoài rừng cao su khi còn đỏ hỏn, có em nằm ở bãi rác, có nhiều em vừa mới lọt lòng đã mất cả cha lẫn mẹ…

Ông bố của 127 đứa trẻ kém may mắn - Ảnh 3.

Hiện tại em bé nhỏ nhất được ông Nhật chăm sóc là bé Đ.T.S mới 1 tháng 10 ngày tuổi. S được ông Nhật nhặt về ở vườn cao su khi mới lọt lòng.

Để có tiền chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhỏ, ngoài trồng cà phê, ông Nhật xin đi làm thuê, làm mướn khắp nơi với đủ nghề. Nhiều đứa trẻ dễ trông ông để ở nhà cho anh chị trông coi còn những đứa nhỏ khó tính ông thường địu sau lưng băng khắp nương rẫy.

"Đối với tôi, nguồn động lực lớn nhất chính là được ngắm nhìn các con ăn ngon, ngủ ngoan, sống khỏe. Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời cũng chính là được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của các con. Tôi mong muốn xã hội hiện nay sẽ không còn tình trạng cha mẹ bỏ rơi con, không có những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, các con được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ" - ông Nhật chia sẻ.

Ông bố của 127 đứa trẻ kém may mắn - Ảnh 4.

Bữa cơm trật tự, nền nếp và yêu thương của các bé ở mái ấm.

Bà Hồ Nhật Trường Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia H'Lốp cho biết: "Về trại trẻ của ông Đinh Minh Nhật, xã cũng rất quan tâm. Dù là tự phát, tự nhận các cháu về nuôi song ông Nhật vẫn thực hiện khai báo đầy đủ và làm giấy tờ hưởng các chế độ cho các cháu. Hàng năm. có nhiều cá nhân, tổ chức về làm việc tại địa phương, xã cũng có giới thiệu trại trẻ của ông Nhật. Qua đó cũng có rất nhiều đoàn từ thiện liên hệ trao quà hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các cháu".

Nuôi lớn những ước mơ

Dưới sự chở che của ông Đinh Minh Nhật, 127 đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương. Đến nay đã có 13 cháu đang học đại học, 17 cháu học nghề, 12 cháu học cấp 3, 46 cháu học cấp 2 và 21 cháu học cấp 1.

Bol – hiện đang là sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Gia Lai, một trong 127 đứa trẻ được nuôi dưỡng và lớn lên ở đây chia sẻ: "Nhiều buổi tối, mấy tháng trời thầy không hề chợp mắt vì lo cho các em nhỏ, nhiều đêm thầy phải bế rong các em đến rạng sáng. Không thể diễn tả hết được sự vất vả của thầy. Hiện, em đang học ngành dược tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ngay khi ra trường em sẽ về mái ấm vận dụng những gì mình học được phụ giúp thầy chăm sóc các em, chữa bệnh cho người nghèo trong làng…".

Còn em Hồ Thị Ngọc Sang - sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin tại TP.HCM trải lòng: "Cuộc đời em từ nhỏ đã không được may mắn như các bạn. Cuộc sống gia đình vốn đã chật vật nay càng khó khăn hơn khi bố mất, 2 năm sau đó mẹ cũng đột ngột ra đi. Chẳng còn ai nương tựa, hàng ngày em chỉ biết lang thang khắp nẻo đường làng. 

Lúc bấy giờ, thật may mắn cho em vì đã gặp được thầy. Không do dự chần chừ, thầy đã đưa em về mái ấm chăm sóc, nuôi dưỡng và đưa em tới trường. Hơn 10 năm nay, em được lớn lên trong mái ấm bằng tình yêu thương của thầy, thầy như người cha người mẹ thứ 2 của chúng em vậy. 

Sau này khi ra trường, em sẽ trở lại mái ấm phụ giúp thầy nuôi dưỡng các em, sử dụng vốn kiến thức mình học được truyền lại cho các em. Nguyện vọng duy nhất của em là mong thầy luôn khỏe mạnh để sau này chúng em có thể đền đáp công ơn chăm sóc, dạy bảo chúng em nên người".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem