Độc giả hẳn đã khá quen với cái tên Nguyễn Hữu Khai và càng không xa lạ với thương hiệu Bảo Long nổi tiếng. Người đời gọi ông Khai là lương y không phải là “hữu danh vô thực”, gọi ông là tiến sĩ cũng không sai.
Và với đông đảo độc giả, họ biết đến cuộc đời Nguyễn Hữu Khai còn vì ông là nguyên mẫu trong cuốn tiểu thuyết "Nợ đời" của nhà báo Hoàng Dự, được chuyển thể thành phim phát trên sóng truyền hình. Nhưng tiểu thuyết vẫn là tiểu thuyết, với ông Nguyễn Hữu Khai thì đời thực còn đắng chát hơn tiểu thuyết nhiều.
Chân dung ông Nguyễn Hữu Khai
Đường đời lận đận
Sắp đến hạn 3 tháng tạm giam, cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ hoàn tất hồ sơ về vụ án “Sử dụng trái phép tài sản” sau thương vụ chuyển nhượng tốn quá nhiều giấy mực của báo chí về tiến sĩ, lương y Nguyễn Hữu Khai.
Không ngoài mục đích nào khác, loạt bài này chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả một góc nhìn đa chiều, khách quan, toàn diện nhất về cuộc đời của ông chủ Bảo Long và thương vụ đầy tai tiếng dẫn ông vào con đường tù tội.
Phía sau những điều mà báo chí đã nói, có cái đúng có cái chưa đúng, khiến cho vụ việc thêm méo mó và ít nhiều độc giả có cái nhìn chưa thấu suốt vấn đề. Dòng đời sẽ làm sáng tỏ hơn xung quanh những khúc mắc này. |
Ông Nguyễn Hữu Khai, sinh năm 1952, tại thôn Kênh Đào, xã An Mỹ, huyện
Mỹ Đức (tỉnh Hà Tây cũ) trong một gia đình không mấy khá giả. Cuộc đời
lên bổng, xuống trầm của ông Khai như thế nào thì có lẽ nhiều bạn đọc
cũng đã am tường.
Ông đã từng sống trong nghèo nàn, khốn khó, đã từng
sống trong tù tội vì “vượt biên trái phép”. Nhưng quãng thời gian suốt
60 năm qua, có thể nói Nguyễn Hữu Khai gắn chặt với từ “nợ”. Ông nợ
nhiều thứ, nợ người thân có, nợ người lạ có, nợ tình và tất nhiên cả nợ
tiền.
Ngay từ thời điểm mới ra tù trở về quê làm thuốc, nợ đã đeo đẳng. Chính sự nợ nần, túng quẫn buộc ông Khai phải khăn gói vào Nam tìm đường sống. May mắn là ở quê hương mới ông Khai có điều kiện để phát huy nghề thuốc của mình. Từ một ông lang bốc thuốc dạo rồi tham gia vào CLB của Hội Đông y quận 1.
Năm 1987 ông mở lớp dạy y học cổ truyền cho các học viên đến từ Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ và sau đó được một số trường thuê dạy cho sinh viên. Chính cái thời điểm ông dạy ở các trường này, bản thân ông Khai hoàn toàn không có bằng cấp gì. Bởi trước đó, ông học dở dang ngành kiến trúc. Tuy biết ông không có bằng nhưng cách dạy của ông Khai thì rất hay nên hiệu trưởng của một trường đại học đã đặc cách cho ông vừa dạy lại vừa học để lấy bằng do chính trường đó cấp.
Bước ngoặt lớn của ông Khai chính là năm 1990, Xí nghiệp Đông Nam Dược Bảo Long được thành lập tại số 4 đường Nguyễn Cảnh Chân, TP.HCM với sự đỡ đầu của Công an TP. Là người trượng nghĩa khí, nên dù là người đã từng vào tù nhưng ông Khai được rất nhiều người quý mến. Trong đó, có lực lượng Công an TP.HCM.
Ông Khai cùng những đứa cháu, đứa trẻ mồ côi
Tuy rằng, để có cái thương hiệu Đông Nam Dược Bảo Long, vai trò của Công an TP là quan trọng nhưng mấu chốt lại ở chính bản thân ông Nguyễn Hữu Khai. Bởi chỉ trong thời gian 3 năm ngắn ngủi sau đó, Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long có trụ sở tại ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đã được thành lập. Và chỉ chục năm sau, các chi nhánh của công ty đã vươn ra khắp cả nước với thương hiệu Đông Nam Dược Bảo Long nổi tiếng.
Ý định của ông Khai sau khi thương hiệu Đông Nam Dược Bảo Long có được một chỗ đứng là phát triển thành một tập đoàn với phức hợp đa ngành nghề gồm giáo dục, y tế, thể thao, du lịch. Với ý định này, năm 2005, Tập đoàn Y dược Bảo Long do ông Khai làm Chủ tịch HĐQT đã được thành lập có trụ sở tại xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội).
Và cũng trong năm này ông Khai cùng các cộng sự cho ra đời Bệnh viện đa khoa Bảo Long chữa bệnh theo phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, được rất nhiều người dân tin tưởng và tìm đến chữa bệnh. Năm 2007, Trường phổ thông võ thuật Bảo Long với quy mô đa cấp học được thành lập tạo nên danh tiếng rất đáng ngưỡng mộ của Tập đoàn Bảo Long mà người đứng đầu là ông Nguyễn Hữu Khai.
Sự nghiệp lận đận là vậy nhưng ngay cả chuyện tình cảm cũng lắm truân chuyên. Ai cũng biết ông Khai có đến 4 đời vợ. Tái hợp rồi chia ly cũng đều bởi chữ tình, chữ nghĩa. Ngỡ rằng sau hàng loạt những trầm luân thì cuộc đời ông Khai cũng khép lại với sự nghiệp ổn định, một cơ ngơi đồ sộ nhưng những tính toán sai lầm và cũng chính vì chữ tình, chữ nghĩa của ông đã dần đưa Bảo Long đến bờ vực thẳm.
Từ những ý tưởng...Thương hiệu Bảo Long nổi tiếng khắp cả nước là nhờ vào sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Nguyễn Hữu Khai trong suốt 20 năm ròng. Với gần 300 sản phẩm thuốc, dược phẩm làm bằng thảo dược, trong số đó nhiều loại thuốc không những được người dân trong nước mà cả người nước ngoài tin dùng như thuốc cai nghiện, chữa ung thu vú... Ông Khai đã mày mò, nghiên cứu và lặn lội đi khắp các vùng quê sưu tầm các bài thuốc dân gian, thậm chí là mua lại các bí quyết bài thuốc gia truyền với giá rất đắt.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrim tặng ông Nguyễn Hữu Khai chiếc bình bạc kỷ niệm quốc gia
Một trong những ý tưởng táo bạo và được nhiều người đồng tình, ủng hộ đó là biến các trại giam thành nơi trồng cây thuốc. Ông Khai cho rằng, trong nước có nhiều cây thuốc quý nhưng đang dần bị khai thác cạn kiệt. Trong khi đó, nhiều vùng chuyên canh cây thuốc chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc trồng cây thuốc, dạy cách làm thuốc cho phạm nhân là một cách làm nhân văn đồng thời tạo công ăn việc làm giúp con người hướng thiện, không quay lại với con đường lầm lỗi. Chính ông đã mày mò chế bài thuốc cắt cơn, cai nghiện ma túy hiệu quả.
Chính từ việc này ông Khai đã bảo vệ xuất sắc luận án khoa học nghiên cứu sản phẩm Đông dược đặc hiệu với đề tài “Cai nghiện và hậu cai nghiện”. Nhờ vào đề tài này, ông Khai đã được Viện Hàn lâm khoa học Xê-chê-nốp (Liên bang Nga) phong tặng học vị tiến sĩ danh dự.
Nói thêm về đề tài khoa học này, ông Khai cho rằng cai nghiện thì dễ nhưng làm sao để không tái nghiện mới là cái khó. Và để giải quyết vấn đề hậu cai nghiện thì ông cho rằng phải tăng cường sức khỏe cường tráng, tạo công ăn việc làm ổn định và khâu mấu chốt là sự quản lý của chính gia đình. Phương pháp hậu cai nghiện của ông Khai đã đánh trúng tâm lý của người Nga, được người châu Âu rất tâm đắc. Sự thật là các bài thuốc Đông y của ông Khai được người dân khu vực Đông Âu đặc biệt ưa dùng.
Một ý tưởng ông đã từng ấp ủ là tìm tòi để bào chế ra thuốc chữa căn bệnh thế kỷ HIV và các bệnh ung thư. Nhưng cho đến nay, có lẽ những ấp ủ dang dở đó sẽ khó có cơ hội nào nữa để ông thực hiện.
... đến những sai lầmÔng Khai đã quá tham vọng khi thành lập một tập đoàn đa ngành nghề trong khi trình độ quản lý thì quá yếu kém. Đây là sai lầm nghiêm trọng của ông Khai dẫn đến sự đi xuống của Tập đoàn Bảo Long. Sau khi Bệnh viện Đa khoa Bảo Long và Trường phổ thông võ thuật Bảo Long được thành lập, người ta đã nhìn thấy rõ sự đầu tư dàn trải trong khi mục đích của ông Khai lại rất rõ ràng.
Ông Khai muốn xây dựng một tập đoàn y dược mạnh của cả nước và trong khu vực với một phức hợp khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cho đến việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đáng lẽ ra, các công ty từ đầu vào đến đầu ra phải có sự liên kết chặt chẽ để tạo thành sức mạnh thì các thành viên trong gia đình lại chia nhau thâu tóm.
Từ tiểu thuyết lên phim rồi ra đời thực, với ông Khai thành công gắn liền với cay đắng
Điều này đã gây khó khăn trong việc quản lý tài chính chung mà không có biện pháp khống chế chi tiêu. Và hậu quả là năm 2010, tập đoàn kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến vay nợ tùm lum. Lúc này ông Khai tuy là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nhưng lại không hề hay biết những khoản tiền vay nóng với lãi suất cắt cổ. Đến năm 2011, tập đoàn rơi vào khủng hoảng nợ nần.
Cho đến lúc này, việc các công ty bị phá sản chỉ là sớm hay muộn. Ông Khai đã cầu cứu bạn bè, vay mượn khắp nơi để có tiền trả nợ. Rất nhiều người vì quý mến ông Khai, có người không ngần ngại bán đất, bán nhà để có tiền cho ông Khai vay.
Nhưng số nợ quá lớn, khả năng chi trả không thể thực hiện. Tính đến ngày 31.1.2011, Bảo Long đã vay tổng số gần 83 tỷ đồng từ các ngân hàng; hơn 117 tỷ đồng từ 618 cá nhân ở khu vực Hà Nội; vay vốn từ các cổ đông là 86,786 tỷ đồng. Từ khoản nợ khổng lồ này ông Khai đã đi đến quyết định bán toàn bộ cổ phần, tài sản, bản quyền thương hiệu dẫn đến những tranh cãi đầy tai tiếng liên quan đến Tập đoàn Bảo Sơn.
Một thầy thuốc phóng khoángCho đến nay những sai phạm của ông Khai đến đâu vẫn đang được điều tra làm rõ. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn ông Khai bị bắt, nhiều tờ báo đã có những bài viết mang tính chất chủ quan, thậm chí là vùi dập, bằng câu chữ hằn học phủi bay tất cả những gì bản thân ông Khai đã làm được.
Thẳng thắn mà nói thì ông Khai là một thầy thuốc có nhiều thành tựu, là người đa tài. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng ba, Huy chương vì sức khỏe cộng đồng và rất nhiều cằng khen của các cơ quan T.Ư và địa phương, được vinh danh “Ngôi sao Việt Nam”. Ông Khai còn là một võ sư sáng lập ra phái Bảo Long y võ. Nên không thể ấu trĩ cho rằng tất cả điều đó là “hữu danh vô thực” và càng sai lầm khi phán ông Khai là người “đội lốt lương y” hay giả danh tiến sĩ.
Với những kinh nghiệm quý báu tích lũy được từ những tháng ngày bôn ba tầm sư học đạo ở xứ người, từ những trải nghiệm sâu sắc trong nghề thầy thuốc của mình ông đã chữa khỏi bệnh cho hàng vạn bệnh nhân. Ông là người đã dang tay cứu giúp bao mảnh đời bất hạnh, éo le lấy lại niềm vui sống. Vậy mà có người viết lại nói rằng đó là trò “PR rẻ tiền” của ông Khai thì thật khó hiểu.
Trường hợp chị Đoàn Thị Thanh Huyền trước ngày sinh con bị xét nghiệm nhầm HIV, gia đình nhà chồng và người thân xa lánh, ruồng bỏ. Đối với một người phụ nữ còn gì đau đớn hơn khi bị chính những người thân yêu của mình xua đuổi, đứa con do mình vừa rứt ruột đẻ ra bị người ta cấm không cho gần gũi, con đói mà mẹ không được cho bú. Đứa bé héo hon rồi qua đời.
Đã có lúc Huyền muốn tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời, nhưng sự có mặt kịp thời của ông Nguyễn Hữu Khai đã thức tỉnh lý trí và khơi dậy lòng tin với cuộc đời của chị. Ông Khai đã đón chị về làm việc tại Tập đoàn Y dược Bảo Long, tạo điều kiện cho chị học tập nâng cao trình độ và có công việc ổn định.
Rồi trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Phương ở Tân Kỳ (Nghệ An) bị u tủy, liệt tứ chi. Trong nỗi tuyệt vọng cô vẫn níu theo tháng ngày bởi sự thương cảm, tận tình chăm sóc của người yêu suốt gần 4 năm trời. Nguyễn Hữu Khai đưa Phương về Bệnh viện Đa khoa Bảo Long chữa trị, không quên nhận luôn người yêu là Trương Văn Chín và em trai Phương về Tập đoàn Bảo Long làm việc. Có chi tiết mà nhiều cán bộ, nhân viên của bệnh viện đều cảm phục ông Khai vì nó thể hiện một người lương y có tâm và có tầm.
Chuyện kể khi Phương nằm viện, có một ít tiền được chị cuộn tròn để trong người nhưng bị bệnh nhân nào đó lấy mất. Chị mếu máo kể chuyện mất tiền với ông Khai. Ông bảo, số tiền đó bị rơi và được nhân viên dọn dẹp nhặt được. Cứ yên tâm, ông sẽ kêu họ trả lại. Ông Khai lấy tiền của mình thế vào đưa cho cô gái, nhưng nhìn tiền cô đã biết là không phải tiền của mình. Vì tiền cô cuộn tròn buộc dây chứ không phẳng phiu như thế.
Có lẽ nhiều người không thể quên trường hợp vận động viên đô vật Lê Thị Huệ trong thời gian luyện tập chuẩn bị cho Sea games 23 bị gãy đốt sống cổ, liệt tứ chi. Trong khi các cấp ban ngành quay mặt thì chính Nguyễn Hữu Khai đã không tiếc công sức, tiền của, tận tụy ngày đêm, trăn trở, vất vả, khổ cực để cuối cùng tìm ra được phương pháp phục hồi cho Huệ. Nhưng sau ngày ông Khai bị bắt cô lại bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng, từng là cán bộ kế toán của Tập đoàn Y dược Bảo Long, bị u tủy qua nhiều năm, phải chạy chữa khắp nơi. Khi gặp ông Khai thì bệnh đã ở tình trạng nặng nhất và kinh tế gia đình lâm vào hoàn cảnh suy kiệt trầm trọng, không còn một đồng nào để chữa trị. Bố mẹ cô đã đau xót nghĩ tới việc chấp nhận cho ông trời định đoạt số phận của con mình. Thấy được điều đó, ông Khai đã nhận chữa bệnh miễn phí và khi Hồng không còn đau đớn, có thể làm việc được ông đã tiếp nhận Hồng vào làm nhân viên kế toán, để tâm lý bệnh tật được giải thoát và vừa làm việc, vừa chữa bệnh.
Ông Khai còn thu nhận hàng chục đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa về Tập đoàn Y dược Bảo Long để nuôi dạy và ý nguyện của ông là giúp cho những đứa trẻ sau khi trưởng thành sẽ có một công việc ổn định, một mái ấm gia đình hạnh phúc. Ông cho rằng mình làm việc đó để “trả nợ” vì ông “nợ đời” quá nhiều. Một người có tấm lòng như thế không thể “đội lốt lương y” được.
Nhưng chính con người gặp ai khó khăn cũng giúp đỡ, gặp ai cơ nhỡ cũng cưu mang khiến Tập đoàn Bảo Long như một nơi làm từ thiện chứ không phải nơi kinh doanh. Nó phần nào khiến cho việc bộ máy nhân viên, nhân sự có vấn đề, nó cũng thể hiện cách quản lý của Bảo Long so với Bảo Sơn là khác nhau quá xa. Khi Tập đoàn Bảo Long kinh doanh sa sút và nguy cơ phá sản ông Khai chấp nhận ra đi và trong các điều khoản cam kết điều ông muốn là nhân viên Bảo Long được ở lại làm việc.
Rất nhiều nhà văn, nhà báo quen biết với ông Khai đều khẳng định ông là một người rất phóng khoáng, đã giúp đỡ ai là giúp đến cùng. Dù là một Chủ tịch HĐQT của tập đoàn có tiếng nhưng ông và gia đình vẫn sống trong nhà tập thể, không nghĩ đến nhà lầu, xe sang, trong khi lại bỏ rất nhiều tiền của để giúp đỡ những số phận thiếu may mắn trong xã hội. Nhưng đường đời ông rõ là lận đận, sau bao nhiêu năm tận lực xây dựng cơ nghiệp, về cuối đường đời lại bị cú thụt chân đau đớn.
Ông Khai từng tâm sự: “Người xấu ở đâu cũng lắm. Nhưng người tốt nơi nào cũng nhiều. Tôi chịu ơn nhiều người, mà họ lại chẳng cần mình trả ơn. Vì thế giúp được ai việc gì tốt là tôi làm ngay, chẳng hề suy tính thiệt hơn. Coi như đang trả nợ cho chính cuộc đời mình vậy”.
Nguyên nhân từ đâu dẫn đến thất bại của ông Nguyễn Hữu Khai? Trong “ân oán” giữa Bảo Long và Bảo Sơn, ai lừa ai? Có thực sự là ông Khai lấy oán trả ơn hay không? Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi này trong bài viết sau.
Thái Tùng (Dòng Đời) (Thái Tùng (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.