Ông chủ Vinaxuki: Lợi ích nhóm cản đường giấc mơ ô tô "Made in Việt Nam"

Chủ nhật, ngày 25/09/2016 12:17 PM (GMT+7)
Ông Huyên cho rằng "lợi ích nhóm" đã khiến những doanh nghiệp sản xuất như ông bị cản đường. “Họ cứ khăng khăng muốn tôi bán nhà máy.
Bình luận 0

Ông chủ thương hiệu ôtô Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên đang rơi vào hoàn cảnh bi đát bởi chính giấc mơ ôtô "Made in Việt Nam". Giờ đây, ông đang phải ở chính nhà khách của công ty để qua ngày khi đã phải bán hết nhà cửa để trả nợ...

Trò chuyện với báo chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - Bùi Ngọc Huyên cho biết lại vừa gửi văn bản "cầu cứu" tới Thủ tướng và các cơ quan chức năng.

Ông Huyên cho biết đã gửi bản kiến nghị dài 17 trang với lời cảm ơn Chính phủ đã gần chục lần chuyển ý kiến của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng để doanh nghiệp được tái cơ cấu đầu tư. Song ông Huyên bày tỏ nỗi thất vọng khi những ý kiến chỉ đạo đó đã không được thực hiện. Ngân hàng quay lưng… không cho Vinaxuki khiến các nhà máy của ông tại Mê Linh (Hà Nội); Thanh Hóa… càng rơi vào khó khăn và dừng hoạt động.

img

Ông Huyên nói: “Họ cứ khăng khăng muốn tôi bán nhà máy.

Ông Huyên cho rằng "lợi ích nhóm" đã khiến những doanh nghiệp sản xuất như ông bị cản đường.  “Họ cứ khăng khăng muốn tôi bán nhà máy. Tôi cũng không hiểu sao ngân hàng có thể giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp chuyên đi lắp ráp, nhập ôtô về để bán, trong khi chúng tôi – những người nghiên cứu, đầu tư công nghệ cao sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi cho ôtô, sản xuất ôtô mang thương hiệu Việt thì lại bị hắt hủi”, ông Huyên bức xúc.

“Họ dùng ngân hàng đè bẹp Vinaxuki vì biết làm gì còn tiền làm vốn. Nhiều nhân viên ngân hàng nói, lãnh đạo một chi nhánh quyết định sai khi không cho Vinaxuki tái cơ cấu và vay vốn làm công ty chết đứng. Khi một ngân hàng từ chối cho vay thì còn ngân hàng nào dám cho vay nữa", ông tiếp lời.

Ông cũng đặt giả thiết: Nếu lúc đó công ty được vay vốn lưu động sản xuất xe tải nặng và xe khách tại Thanh Hóa thì chắc chắn công ty vẫn duy trì sản xuất và đã trả được hết nợ vay ngân hàng. Bởi theo ông, thị trường ôtô năm 2013, đặc biệt nguồn cung xe tải nặng rất thiếu, giá tăng cao, doanh nghiệp nào cung cấp được sản phẩm ra thị trường là thắng.

"Để có tiền trả nợ, tôi đã phải bán cả nhà do người cha trước khi qua đời di chúc để lại cho, nhà của tôi ở Láng Hạ được Bộ Giao thông vận tải phân cho và cả nhà căn nhà của con gái tôi… Giờ tôi không còn gì, kể cả một mét vuông nhà cũng không còn, hiện tôi đang ở trong nhà khách của công ty…”, ông giãi bày. 

Trước những khó khăn, một lần nữa ông chủ Vinaxuki khẩn thiết đề nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp tái cơ cấu vốn theo cơ chế hợp lý và vay 200 tỷ vốn lưu động hoặc cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại; tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả VAMC và các ngân hàng.

Với khoản vốn đề xuất vay 200 tỷ đồng, ông Huyên thừa nhận, để vực dậy toàn bộ Vinaxuki thì cần khoản tiền lớn hơn nhiều, nhưng chỉ cần được giải ngân số vốn này công ty có thể khôi phục một phần sản xuất. Có vốn để khởi động lại nhà máy, công ty sẽ tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả nợ VAMC và các ngân hàng đầy đủ.

“Nhìn những người đã từng là công nhân của mình, vì nhà máy đóng cửa, không có việc làm, giờ sống trong cảnh khốn khó, mà tôi không cầm được nước mắt”, ông chủ này nói thêm.

Đã gần chục lần gửi kiến nghị tới Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành, và ở lần gửi kiến nghị này, ông Huyên cho biết không mong gì hơn là cơ quan chức năng sẽ “một lần lắng nghe doanh nghiệp nói thực tâm”, nhìn nhận đúng thực tế và giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua lúc khó khăn.

Còn nhớ, những năm đầu sản xuất và có mặt trên thị trường, Vinaxuki và Trường Hải chính là những điển hình của ngành công nghiệp ôtô nội địa với sản lượng bán hàng thường xuyên đạt trên mốc 1.000 xe/tháng. Tuy nhiên, khi nền  kinh tế rơi vào khó khăn, thị trường suy giảm mạnh thì với tiềm lực tài chính hạn chế, các Vinaxuki cũng theo đó chìm vào khó khăn, còn Trường Hải với hướng đầu tư khác đã tìm được lối thoát.

Vào đầu năm 2004, Nhà máy ô tô Vinaxuki đã được khởi công tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm, đến tháng 8.2005 thì khánh thành. Trong các năm 2006, 2007, 2008 Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa đạt 27% và 3 dòng xe con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 5%.

Những năm này, hoạt động của nhà máy đều có lãi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ xong cho các ngân hàng. Ngân hàng ủng hộ và cam kết giúp Vinaxuki tiếp tục đầu tư công nghệ cao, sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi và nội địa hóa ô tô.

Năm 2009, các ngân hàng đã cho Vinaxuki vay gần 300 tỷ vốn kích cầu đầu tư. Các loại xe ô tô lắp ráp đưa ra thị trường đều tiêu thụ mạnh, nhiều đại lý phải chờ đợi hàng tháng mới lấy được xe. Đời sống, việc làm của người lao động đảm bảo, được cải thiện.

Cũng trong năm 2009, hai công ty lớn của nước ngoài muốn mua 50% cổ phần của Vinaxuki, cùng với đó, có nhiều đối tác muốn hợp tác, ở các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô.

Vinaxuki bắt tay nghiên cứu và chế tạo ô tô “Made in Vietnam" cũng từ năm 2009. Tuy vậy, không đầy 1 năm sau, kinh tế rơi vào khủng hoảng, ngân hàng xiết chặt việc cho vay và lãi suất tăng lên nhanh chóng khiến Vinaxuki thua lỗ. Những nỗ lực, gắng gượng chỉ có thể giúp công ty hoạt động được một khoảng thời gian không lâu sau đó.

Từ đầu năm 2012, các ngân hàng đồng loạt cắt, không cho vay vốn lưu động. Ông chủ Vinaxuki đã phải bán cả nhà ở, vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng, mong được tái cơ cấu để vay vốn lưu động. Từ đó, nhà máy không còn tiền để trả lương người lao động, không còn tiền để mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần dần ngừng hoạt động.

Hòa Lộc (Doanh nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem