Hành trình vượt nghèo của ông Ninh là cả một chặng đường gian khó. Năm 1996, ông cùng vợ và 2 con nhỏ rời quê Quảng Ngãi vào Phú Yên lập nghiệp. Không vốn liếng, không người thân thích, ông đành chọn nghề đạp xích lô kiếm sống qua ngày. Trong một lần đến xã Krông Pa, thấy đất ở đây màu mỡ mà dân cư thưa thớt, ông bỏ xích lô khăn gói lên đây xới đất làm ăn.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-20/1434701416-251_6_chu-trang-trai.jpg) |
Vợ chồng ông Ninh trong trang trại sắn, mía. |
Những cơn sốt rét rừng không làm vợ chồng ông chùn chân. Ông miệt mài vỡ đất khai hoang trồng rau quả xung quanh nhà. Năm 1998, vay ngân hàng 2 triệu đồng, thêm phần vốn tích góp, vợ chồng ông đầu tư trồng hơn 1ha mía. Vụ đầu làm mía, không có kỹ thuật, ông chỉ thu được 40 tấn mía cây, trừ chi phí lời lãi không được bao nhiêu. Ông tìm mua tài liệu dạy trồng mía về đọc, mua giống tốt về trồng. Năm đó, năng suất mía tăng lên thấy rõ. Ông mừng lắm, tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích và quyết tâm trồng mía bài bản có kỹ thuật hơn.
Năm 2003, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (công ty mía đường - PV) hỗ trợ giống, phân bón và tiền đầu tư để trồng trồng mía, ông Ninh mạnh dạn nhận một lượng giống lớn và mở rộng diện tích trồng trọt. Nhờ chăm sóc tốt, vụ mía nào ông cũng thu vài trăm triệu đồng trở lên.
Niên vụ mía năm 2010- 2011, ông nhập về nhà máy đường 1.060 tấn, sau khi trừ chi phí, lãi ròng hơn 700 triệu đồng. Hiện tại, ông đăng ký trồng với nhà máy 12,5ha mía. Ngoài trồng mía, ông còn trồng sắn, cây ăn quả và chăn nuôi bò. Đến nay, trang trại của ông rộng 20ha, trong đó phủ kín các loại cây trồng, mía hơn 12ha, sắn 4ha, còn lại là mãng cầu, xoài, bơ, điều. Ông còn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thu nhập từ trang trại đã mang về cho gia đình ông cuộc sống khá giả. Ông tiết lộ, ông chuẩn bị mua xe tải phục vụ việc vận chuyển mía cho gia đình...
Hồng Linh - M.Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.