Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Kinh tế toàn cầu đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp sản xuất có trách nhiệm

Trần Quang Thứ hai, ngày 05/12/2022 19:40 PM (GMT+7)
Ngày 5/12, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị toàn thể các nhóm công tác PPP ngành hàng trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) năm 2022 với chủ đề “Xây dựng một nền nông nghiệp xanh và gia tăng giá trị”.
Bình luận 0
Chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tin rằng với những nỗ lực phối hợp từ cả khu vực công và tư nhân, cùng với sự hỗ trợ của các cơ chế phân phối quan trọng trong khu vực như Grow Asia, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức khi trở thành một nền kinh tế mới nổi và thực sự đi đầu về tính bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của mình. Ảnh: TQ

Thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển một nền nông nghiệp xanh

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nền kinh tế toàn cầu mới đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất một cách có trách nhiệm, đặc biệt là trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải để giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Trước những thách thức toàn cầu mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cần phải phát triển và phổ biến các sáng kiến đổi mới để có thể nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm và giúp ứng phó.

"Thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, qua đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, để tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân Việt Nam mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Tuy nhiên trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi, thị trường đang thay đổi, cách lựa chọn của người tiêu dùng đang thay đổi, chúng ta chắc chắn phải thay đổi để tạo ra các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Bối cảnh mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ, và bền vững của môi trường toàn cầu. 

Nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh".

Chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững - Ảnh 2.

Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã cập nhật chính sách của Việt Nam thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tổng kết các hoạt động PPP thực hiện trong năm 2022; đối thoại công tư về kỳ vọng của doanh nghiệp đối với các chính sách của chính phủ để hỗ trợ khu vực tư nhân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp xanh; giới thiệu Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm (FIH). Ảnh: TQ

Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp "đa giá trị" để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cũng đưa ra ưu tiên cao trong phục vụ lợi ích của hộ nông dân quy mô nhỏ và người tiêu dùng, phát triển hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.

Xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại. Hầu hết các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy nước ta tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nên nông nghiệp tăng trưởng xanh, hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp.

Nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều nước áp dụng, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có một lộ trình thực hiện cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

P.V

Tại COP26, Việt Nam cũng đã công bố cam kết quốc gia về trung hòa các bon vào năm 2050. Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho mục tiêu này đồng thời đảm bảo lộ trình bền vững cho an ninh lương thực dài hạn của quốc gia.

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đánh giá, việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn nâng cao năng suất đã có bước tiến mạnh mẽ, tuy nhiên, việc này vẫn chưa đủ. An ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng, việc đảm bảo cung ứng lương thực bền vững là ưu tiên quan trọng.

Tuy nhiên, nông nghiệp cũng là một nhân tố vẫn chiếm tỷ trọng khí thải lớn. Để giải quyết các tác động này rất cần sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là khối công tư." Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng Bộ NNNPTNT, các bên đối tác đưa nông nghiệp Việt Nam bền vững thành hiện thực",Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam nhấn mạnh. 

Chia sẻ tại hội nghị, bà Beverley Postma, Giám đốc điều hành của Grow Asia đánh giá cao cam kết của Việt Nam đối với việc chuyển đổi hệ thống lương thực tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 44 vừa qua. Bộ NNPTNT và Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam đã đặt nền móng vững chắc cho sự thành công. Chúng ta có thể tự tin mở rộng quy mô các dự án có giá trị cao và xây dựng các lộ trình mang tầm ảnh hưởng quốc gia và khu vực thông qua sức mạnh hợp tác công tư tại Việt Nam.

Chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững - Ảnh 3.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Ban thư ký PSAV, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết các Bản ghi nhớ gợp tác với Tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) và Công ty Syngenta. Biên bản ghi nhớ này giúp các bên tăng cường hợp tác theo hình thức đối tác công tư cho ngành nông nghiệp Việt Nam phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: TQ

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, Bộ NNPTNT đang phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thành lập Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm (FIH), gắn liền với phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

Theo đó, Bộ NNPTNT kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia trong quá trình chuẩn bị và triển khai Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm (FIH). Trung tâm này không chỉ hoạt động ở tầm quốc gia mà còn hỗ trợ và triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo tại các địa phương.

Bộ NNPTNT đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong bối cảnh hiện nay, Bộ NNPTNT đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông lâm thủy sản tại Việt Nam.

"Có thể nói doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và trung tâm, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân.

Doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông lâm thủy sản. Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao hơn không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà cả các vấn đề xã hội và môi trường", Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem