AVG được “thổi giá” thế nào trước khi về tay MobiFone?
Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ ưu điểm, tồn tại, khuyết điểm, vi phạm phát hiện qua thanh tra. Trong đó, có các công ty tư vấn.
Một số mốc thời gian đáng chú ý trong thương vụ MobiFone-AVG (Ảnh: Người lao động)
Đầu tiên, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của AASC không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Cụ thể, AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31.3.2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng trên cơ sở dữ liệu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục, đột biến gắn liền với kế hoạch đầu tư thêm 599 tỷ đồng, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG.
Đáng chú ý là, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
Tiếp theo, với Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu). Thanh tra Chính phủ cho rằng VCBS thuê Hanoi Valu xác định giá trị AVG, nhưng kết quả thẩm định giá của Hanoi Valu không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Cụ thể, xác định giá trị tài sản vô hình từ dữ liệu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với tốc độ tăng trưởng liên tục, đột biến, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG; dữ liệu do AVG lập để tính giá trị AVG không phục vụ cho mục đích thẩm định giá của Mobifone; không thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, đánh giá lại tài sản; không thực hiện đầy đủ nội dung khảo sát thực tế, thu thập thông tin về doanh nghiệp; giá trị AVG do Hanoi Valu thẩm định tại thời điểm 31.3.2015 là 18.519,9 tỷ đồng không có cơ sở tin cậy. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Hanoi Valu và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
AVG thậm chí từng được "thổi giá" lên tới 33.299 tỷ đồng
Cuối cùng là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), đơn vị được Mobifone thuê thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31.3.2015.
Sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX theo phương pháp tài sản để đàm phán giá mua cổ phần của các cổ đông AVG, nhưng việc thẩm định giá của AMAX đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Cụ thể, đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31.3.2015 là 16.565 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy, Mobifone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc AMAX và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
Gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng cho MobiFone
Theo Thanh tra Chính phủ, khi thực hiện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), MobiFone đã làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG.
Khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng.
Cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà được xác định có trách nhiệm lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG
AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định “Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng”. Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31.3.2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng.
Khi mua cổ phần AVG, Mobifone đã không loại 02 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với tổng số tiền 2.473,2 tỷ đồng) là không đúng chỉ đạo của Bộ TTTT (tại Văn bản số 166/BTTTT-QLDN ngày 19.8.2015, số 189/BTTTT-QLDN ngày 1.10.2015 và ý kiến chỉ đạo ngày 1.10.2015 của Bộ trưởng Bộ TTTT đối với Vụ Quản lý doanh nghiệp), vi phạm điểm d, Khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17.7.2012 của Thủ tướng Chính phủ: “Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015”, là hành vi làm trái quy định, tiềm ẩn nguy cơ lỗ lớn khi AVG thoái vốn đầu tư theo giá thị trường, làm giảm lợi nhuận hợp nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.
Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV khi đó là ông Lê Nam Trà, Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán, các bộ phận liên quan thuộc Mobifone.
Trách nhiệm của ông Phạm Đình Trọng
Về trách nhiệm của Tổ thẩm định trong thẩm định dự án; Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp là ông Phạm Đình Trọng trong việc tham mưu phê duyệt Dự án đầu tư, Thanh tra Chính phủ kết luận: Tổ thẩm định đã không xem xét, phân tích các thông tin về hạn chế, giới hạn, tính pháp lý, mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo thẩm định giá và Báo cáo tư vấn mà Mobifone đã sử dụng để đàm phán giá mua 95% cổ phần AVG, thể hiện thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án đầu tư.
Ông Phạm Đình Trọng với vai trò Tổ trưởng Tổ thẩm định, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ kết luận chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu phê duyệt Dự án đầu tư
Ngoài ra, đã dử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ TTTT về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD (tuy nhiên, Bộ TTTT không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực) nhưng vẫn dùng để so sánh, nhận xét về giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng (cho rằng Phương án giá này thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do Tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá AVG báo cáo định bán cho đối tác nước ngoài) là không có cơ sở; mặt khác, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ, chưa chắc chắn nhưng đã đánh giá, nhận xét Dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, ông Phạm Đình Trọng với vai trò Tổ trưởng Tổ thẩm định đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên, như: về sự cần thiết phải đầu tư vào AVG, việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần, việc xác định tỷ lệ mua cổ phần AVG nhưng đã đánh giá Mobifone nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về Dự án, là thiếu khách quan, mang tính chủ quan.
Trong khi giá mua cổ phần và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ; Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng là Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (cũng là Tổ trưởng Tổ thẩm định), ông Phạm Đình Trọng vẫn trình lãnh đạo Bộ TTTT quyết định phê duyệt Dự án đầu tư; thống nhất, tham mưu để lại 02 khoản mà AVG đã đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình là vi phạm điểm d, Khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17.7.2012 của Thủ tướng Chính phủ; không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ TTTT, thể hiện cố ý làm trái.
Trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc về Tổ thẩm định, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Tổ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.