Ông Lê Phước Vũ mỗi ngày "bỏ túi" gần 19 tỷ, gánh 15 nghìn tỷ nợ phải trả và đối mặt với biến động mới

Quang Dân Thứ tư, ngày 28/07/2021 07:33 AM (GMT+7)
Dữ liệu của Dân Việt cho thấy 6 tháng đầu năm Tập đoàn Hoa Sen và nhiều doanh nghiệp thép có lãi ròng tăng mạnh từ 500 - 2.300% so với cùng kỳ. Riêng Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ mỗi ngày "bỏ túi" gần 19 tỷ nhưng nợ phải trả lên ngưỡng 15.305 tỷ đồng và đang đối mặt với biến động mới
Bình luận 0

Mỗi ngày Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ lãi gần 19 tỷ đồng

Nhiều công ty thép trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 có lãi ròng tăng mạnh từ 500% - 2.300% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng trưởng của lợi nhuận, danh mục hàng tồn kho cũng chiếm phần lớn Tổng tài sản doanh nghiệp trong kỳ.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) của đại gia Lê Phước Vũ vừa công bố báo cáo tài chính quý III niên độ 2020 - 2021 với doanh số tăng 90% so với cùng kỳ, đạt 12.983 tỷ đồng, lãi ròng 1.701 tỷ đồng, cao gấp 5,3 lần so với cùng kỳ. Trung bình mỗi ngày HSG thu về gần 19 tỷ đồng tiền lãi.

Lũy kế 9 tháng đầu của niên độ, HSG ghi nhận 32.929 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với năm 2020. Lãi sau thuế hơn 3.372 tỷ đồng, tăng 381%. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và gấp 2,2 lần chỉ tiêu lợi nhuận.

Doanh thu và lợi nhuận Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ tăng mạnh nhờ sản lượng 9 tháng đạt 1,7 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 94% kế hoạch năm. Giá bán cũng không ngừng tăng kể từ cuối năm 2020 đến nay.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh kênh xuất khẩu. Theo báo cáo của VSA, nửa đầu năm, Hoa Sen xuất khẩu 614.304 tấn tôn mạ và 24.224 tấn ống thép, chiếm tỷ trọng 58% tổng sản lượng bán của Hoa Sen.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép 6 tháng vượt xa kế hoạch cả năm, tiền giảm mạnh, hàng tồn kho chiếm 50% Tổng tài sản  - Ảnh 1.

Ghi chú: * Chỉ tiêu lợi nhuận của TDS trong chart là chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Nguồn: Quang Dân.

CTCP Thép Mê Lin (HNX: MEL) cũng công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với lợi nhuận sau thuế tăng lên đến hơn 2.000% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, trong kỳ MEL ghi nhận doanh thu thuần đi ngang so với quý II/2020, nằm ở ngưỡng 212 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ thị trường ngành thép tăng trưởng tốt, giá bán các mặt hàng tăng cao, giá vốn của công ty tố nên doanh nghiệp báo lãi sau thuế 23 tỷ đồng, tăng 2.000% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, MEL đạt hơn 330 tỷ đồng doanh thu, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi ròng hơn 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2 tỷ đồng, tương ứng cao gấp 18 lần. Đồng thời, doanh nghiệp đã thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu, nhưng vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận.

Hưởng lợi từ việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua, CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA) báo lãi sau thuế quý 2/2021 gấp gần 6 lần cùng kỳ, đạt gần 29 tỷ đồng.

Trong kỳ,doanh thu thuần của VCA đạt hơn 643 tỷ đồng, tăng 28% so với quý II/2020. Lãi gộp theo đó cũng tăng 91%, lên hơn 31 tỷ đồng.

Phía VCA cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh là do doanh thu được thúc đẩy bởi giá bán tăng trong khi giá vốn sản xuất ổn định nhờ Công ty dự trữ nguyên vật liệu đầu vào.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VCA ghi nhận doanh thu thuần đạt 1331 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng hơn 40 tỷ đồng, tăng 217%. Tương đồng với hai doanh nghiệp trên, chỉ sau 6 tháng đầu năm VCA đã hoàn thành và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận trong năm.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép 6 tháng vượt xa kế hoạch cả năm, tiền giảm mạnh, hàng tồn kho chiếm 50% Tổng tài sản  - Ảnh 2.

Nguồn: Bản tin Hiệp hội Thép tháng 7/2021 - VSA

Trong khi đó, CTCP Thép Thủ Đức - VNSTEEL (UPCoM: TDS) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần hơn 655 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 34 tỷ đồng, gấp 4 lần.

Phía TDS lý giải, trên đà tăng trưởng quý I, những tháng đầu quý II thị trường thép vẫn tiếp tục sôi động, sản lượng tiêu thụ thép tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 3.000 tấn, giá bán bình quân sau khi trừ chiết khấu cũng tăng 1,5 lần, đem về khoản lợi nhuận gộp tăng hơn cùng kỳ 23 tỷ đồng.

Cùng với việc hoàn nhập quỹ lương dự phòng, tiết giảm chi phí bán hàng, tăng doanh thu tài chính.. góp phần đưa lợi nhuận trước thuế tăng thêm khoảng 10 tỷ so với cùng kỳ, tổng cộng lợi nhuận trước thuế biến động tăng 33 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, TDS ghi nhận doanh thu thuần 1.256 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, tăng 186% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021.

CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG)  ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.016, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, lãi ròng hơn 847 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu nội địa trong kỳ của NKG là 5.081 tỷ đồng (cùng kỳ 2.878 tỷ đồng), doanh thu xuất khẩu hơn 6.796 tỷ đồng (cùng kỳ 1.910 tỷ đồng).

Giải trình kết quả hoạt động kinh doanh chênh lệch so với cùng kỳ, phía NKG cho rằng doanh thu tăng là do công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và suất khẩu. Lợi nhuận tăng do sản lượng sản xuất tăng, chi phí sản xuất giảm, biên độ lợi nhuận gộp tăng dẫn đến lợi nhuận ròng tăng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, NKG ghi nhận doanh thu hơn 11.862 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ - tương ứng thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu nhưng vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép 6 tháng vượt xa kế hoạch cả năm, tiền giảm mạnh, hàng tồn kho chiếm 50% Tổng tài sản  - Ảnh 3.

Doanh thu thuần NKG quý II/2021 đạt 7.016, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: NKG

Đại gia Lê Phước Vũ và doanh nghiệp thép đối mặt với gánh nặng vay nợ và hàng tồn kho trong bối cảnh 6 tháng cuối năm nhu cầu thép sụt giảm

Tuy tăng mạnh về chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng xấu hiện "điểm gợn" trong bức tranh tài chính các doanh nghiệp thép đã kể trên. Cụ thể, khoản mục tiền giảm mạnh đối với các công ty thép nhỏ hơn như MEL, VCA, TDS nhưng lại có xu hướng tăng ở các doanh nghiệp lớn hơn là NKG, HSG. Bên cạnh đó, khoản mục hàng tồn kho tăng lên bằng lần.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản MEL đạt 589 tỷ đồng, đáng nói hàng tồn có hơn 424 tỷ đồng, chiếm 71%, trong đó chiếm phần lớn là nguyên liệu, vật liệu với hơn 400 tỷ đồng. Khoản mục tiền gửi ngân hàng giảm mạng từ gần 11 tỷ xuống còn 3 tỷ đồng; phải thu của khách hàng cũng giảm 24% về mức 44 tỷ đồng .

Trong khi đó, tổng tài sản VCA có hơn 559 tỷ đồng, tăng 246 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục tăng chủ yếu đến từ hàng tồn kho, khi thành phẩm tăng từ 22 tỷ đồng lên 174 tỷ đồng; nguyên liệu, vật liệu tăng từ 80 tỷ đồng lên 187 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản tương đương tiền lại giảm từ 38 tỷ đồng về mức 0.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép 6 tháng vượt xa kế hoạch cả năm, tiền giảm mạnh, hàng tồn kho chiếm 50% Tổng tài sản  - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo tài chính các doanh nghiệp trong kỳ.

Tương tự, hàng tồn kho của TDS tăng mạnh từ 109 tỷ lên 383 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản của doanh nghiệp. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 101 tỷ đồng xuống còn 18 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng có Hàng tồn kho tăng mạnh là NKG khi lên ngưỡng  5.958 tỷ đồng, tăng 60%so với cùng kỳ và chiếm 42% tổng tài sản Nam Kim so với đầu năm.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tiền và các khoản tương đương tiền của NKG tăng mạnh từ 219 tỷ đồng lên 821 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 1.437 tỷ đồng lên mức 3.134 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn từ đối tượng nước ngoài.

Lợi nhuận phình to cũng giúp cho khoản mục tiền của Hoa Sen "dầy" hơn. Cụ thể, HSG có 23,5 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, trong khi đầu kỳ chỉ 516 triệu đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 1.704 tỷ, lên ngưỡng 3.765 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Tập đoàn Hoa Sen còn hơn 11.646 tỷ đồng, gấp 2 lần so với đầu kỳ. Chiếm chủ yếu là nguyên vật liệu (5.649 tỷ đồng) và thành phẩm (3.439 tỷ đồng).

Điểm gợn đáng chú ý nhất trong kỳ của Tập đoàn Hoa Sen chính là nợ phải trả tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên ngưỡng 15.305 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản doanh nghiệp. Chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn (3.461 tỷ đồng); phải trả ngắn hạn khác (3.450 tỷ đồng); vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (5.451 tỷ đồng).

Lợi nhuận doanh nghiệp thép 6 tháng vượt xa kế hoạch cả năm, tiền giảm mạnh, hàng tồn kho chiếm 50% Tổng tài sản  - Ảnh 5.

Nguồn: Quang Dân

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành thép nổi bật với các mức tăng giá ấn tượng. Nhà đầu tư có thể lãi bằng lần nếu nắm giữ cổ phiếu thép trong thời gian qua. Tính từ phiên giao dịch đầu năm 2021 (4/1) đến chốt phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu HSG (tăng 60%), NKG (91%), MLE (84%) dẫn đầu sóng tăng giá của ngành.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép 6 tháng đầu năm 2021 có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng sản xuất thép thô toàn cầu 5 tháng 2021 tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020. 

Giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020, đến giữa tháng 3 có xu hướng giảm và sau đó tăng trở lại đến cuối tháng 5 đã điều chỉnh giảm và có xu hướng ổn định.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp trong nước sản xuất thép các loại đạt 15.926.051 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 14.055.289 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 3.420.869 tấn, tăng 84,4% so với 6 tháng năm 2020 với các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, v.v..

Tuy vậy, chuyên gia dự báo rằng nửa cuối 2021, nhu cầu thép có thể giảm do mùa mưa và tác động của Covid-19. Giá sản phẩm thép có thể sẽ giảm giảm trong nửa cuối năm 2021. Đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép và biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2021. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem