Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân: Chuyển đổi số chìa khóa phát triển nông nghiệp Tây Nguyên bền vững

Văn Long Thứ năm, ngày 07/04/2022 22:43 PM (GMT+7)
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những phát biểu về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại buổi tọa đàm ""Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên".
Bình luận 0

Ngày 7/4, Báo Nhân Dân và tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên". Trong đó, tọa đàm tập trung đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và đề xuất những định hướng, giải pháp thúc đẩy hoạt động này tại vùng Tây Nguyên.

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu, chìa khóa để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển bền vững - Ảnh 1.

Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu, chìa khóa để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển bền vững. Ảnh: Văn Long.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: "Trong đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã thể hiện được vai trò làm bệ đỡ của nền kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Để đạt được kết quả thuyết phục đó, phải kể đến yếu tố chuyển đổi số. Đây được đánh giá là xu thế tất yếu, là "chìa khoá" để ngành nông nghiệp và các địa phương vừa tận dụng được những cơ hội mới sau đại dịch, vừa hướng đến sự phát triển một cách bền vững".

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu, chìa khóa để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển bền vững - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: CTV.

Cũng theo ông Lê Quốc Minh, trong số 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có tới 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp như: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Điều này cho thấy quyết tâm lớn từ Chính phủ, cũng như các bộ ngành và địa phương trong việc thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết, chuyển đổi số là chủ trương lớn, năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Việt Nam. 

Trên cơ sở đó, Lâm Đồng đã tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động này. Hiện địa phương có 21 doanh nghiệp và nhiều nhà nông ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhưng mới chỉ một phần. Tỉnh đang nghiên cứu để ban hành nghị quyết về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại địa bàn. Trong đó, Lâm Đồng sẽ tập trung phân tích, nghiên cứu để đưa ra lộ trình phù hợp. 

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu, chìa khóa để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển bền vững - Ảnh 3.

Hiện, Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp, hộ dân áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Long.

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hiện có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử tại Lâm Đồng đã được Bộ Công Thương xác nhận. Tuy nhiên, chỉ có một sàn thương mại điện tử là https://dalatproducts.com/ hoạt động trong lĩnh vực nông sản. 

Từ 2016 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế như: Alibaba, amazon để tăng khả năng xuất khẩu trực tuyến và các sàn sàn thương mại điện tử nổi tiếng trong nước, như Shopee, Lazada, Sendo, Ecvn… để tiếp cận người tiêu dùng toàn quốc.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên: Hiệu quả chuyển đổi số tại Tây Nguyên chưa cao ở một số mặt, khâu của chuyển đổi số như chỉ dẫn địa lí, theo dõi sức khỏe môi trường và cây con qua điện tử; lập các khu nông nghiệp công nghệ cao. 

Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, chưa có các quy hoạch chiến lược cho nông nghiệp công nghệ số, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và dàn trải, kém hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế nông nghiệp của vùng.

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu, chìa khóa để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển bền vững - Ảnh 4.

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Tây Nguyên vẫn chưa có sự đồng bộ, dàn trải, kém hiệu quả. Ảnh: CTV.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy cho rằng, để giải quyết những vấn đề trên cần: "Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tiếp đến, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu; tăng cường xây dựng hạ tầng, ứng dụng chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp và chuẩn bị đầy đủ về phương diện nguồn nhân lực".

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu, chìa khóa để nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển bền vững - Ảnh 5.

Người dân tại Lâm Đồng áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đạt hiệu quả vượt trội. Ảnh: CTV.

Kết luận tại buổi tọa đàm ông Lê Quốc Minh nhận định, thay đổi tư duy chính là điểm mấu chốt của chuyển đổi số. Để chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, cần có chiến lược phù hợp với từng địa phương, chuẩn bị về kỹ năng, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường nhân rộng các mô hình điểm. Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, bất kỳ chiến lược nào cũng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cơ quan truyền thông phải đồng hành cùng Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem