Ông Nguyễn Đức Chung đã móc nối quan hệ với cựu công an thế nào?

Đức Sơn Thứ năm, ngày 26/11/2020 18:55 PM (GMT+7)
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung đã thông qua một doanh nhân giới thiệu, làm quen với Phạm Quang Dũng, thời điểm đó là cán bộ tham gia điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường”. Dũng cũng là cháu ruột của doanh nhân này.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Đức Chung đã thông qua một doanh nhân để móc nối với Phạm Quang Dũng (ảnh nhỏ).

Móc nối quan hệ

Theo bản cáo trạng vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội do Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) ban hành, ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự với một loạt hành vi vi phạm xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (gọi tắt là vụ án Công ty Nhật Cường).

Trong đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, trú phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) – nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và vợ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án Công ty Nhật Cường, ông Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ - Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành giới thiệu, làm quen với Phạm Quang Dũng (SN 1983, trú huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội, cháu ruột ông Lệ). Dũng thời điểm này đang là cán bộ công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.

Cáo trạng nêu rõ, khoảng 15h05 ngày 16/6/2019, ông Chung dùng điện thoại gọi vào máy của Dũng, sau đó Dũng gọi lại cho ông Chung. Đến 15h24 ngày 9/7/2019, Dũng nhắn tin hỏi ông Chung là “Anh có dùng Zalo hay Viber không ạ, em là cháu anh Lệ?”.

img

Lực lượng công an khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Đức Chung vào tối 28/8/2020.

Lần gặp đầu tiên

Khoảng 20h20 ngày 20/7/2019, theo đề nghị của ông Chung, Dũng đặt xe qua ứng dụng đến nhà ông Chung ở phố Trung Liệt, phường Trung Liệt. Tại đây, ông Chung và Dũng đã trao đổi một số thông tin về việc điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.

Ông Chung đề nghị Dũng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường cho mình. Dũng đồng ý và nói hiện Dũng đang có một số tài liệu ở nhà và sẽ in, gửi cho ông Chung.

Đến khoảng 22h20 cùng ngày, Dũng rời khỏi nhà ông Chung về nhà mình và in tài liệu từ máy tính cá nhân ra giấy gồm 5 bản email cho vào phong bì dán kín. Dũng khai đây là tài liệu mà Dũng được giao kiểm tra, trích xuất dữ liệu thiết bị điện tử là Macbook Pro thu giữ trong vụ án Công ty Nhật Cường vào ngày 1/7/2019.

Về phần ông Chung, sau khi Dũng ra về, ông Chung đã gọi điện yêu cầu Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, trú quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) – Chuyên viên Phòng thư ký biên tập và cũng là lái xe của ông Chung đến gặp và nhận tài liệu từ Dũng.

Nhận “lệnh” của ông Chung, Nguyễn Hoàng Trung đã gọi điện và đến gặp Dũng tại sảnh tòa nhà nơi Dũng ở. Tại đây, Dũng đã đưa phong bì dán kín chứa tài liệu cho Trung.

Trong bản cáo trạng, VKSNDTC kết luận trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước cấp độ “Mật”  liên quan đến vụ án “Công ty Nhật Cường”. Trong đó, Dũng đã chuyển cho ông Chung 2 lần gồm 6 tài liệu thuộc cấp độ “Mật”.

Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú quận Long Biên, TP.Hà Nội) – nguyên Phó trưởng phòng thư ký biên tập là hai bị can giúp ông Chung 1 lần in, chỉnh sửa tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước cấp độ “Mật”.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung là người chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành, Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc là người giúp sức.

Cả 4 bị can nói trên bị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự (BLHS). Bị can Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng bị truy tố ở khung từ 10 – 15 năm tù giam theo điểm C, khoản 3, Điều 337 BLHS. Bị can Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị truy tố ở khung từ 2 – 7 năm tù giam theo khoản 1 điều luật này.

Cũng trong phần kết luận của bản cáo trạng, quá trình điều tra xác định ông Phan Huy Lệ là người đã giới thiệu để ông Nguyễn Đức Chung quen biết với bị can Phạm Quang Dũng. Tuy nhiên, không có căn cứ xác định ông Lệ biết việc Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường cho ông Chung. Do đó, không có căn cứ xử lý đối với ông Phan Huy Lệ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem