Ông Nguyễn Đức Chung được hủy kê biên nhà đất vụ chế phẩm Redoxy-3C, vụ án khác có ảnh hưởng?
Ông Nguyễn Đức Chung được hủy kê biên nhà đất vụ chế phẩm Redoxy-3C, vụ án khác có ảnh hưởng?
Quang Trung
Thứ ba, ngày 28/06/2022 20:25 PM (GMT+7)
Trong vụ án liên quan việc mua chế phẩm Redoxy-3C, ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù, đồng thời được hủy kê biên nhà đất. Bạn đọc thắc mắc, việc này có ảnh hưởng đến vụ án khác mà ông Chung cũng đang là bị cáo?
Đồng thời, quyết định tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trước đó, tòa cấp sơ thẩm tuyên ông Chung 8 năm tù.
Như vậy, tổng hợp với bản án trong vụ "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" đã tuyên trước đó, bị cáo Chung phải chịu hình phạt tổng cộng 10 năm tù.
Ông Chung còn được hủy bỏ lệnh kê biên ngôi nhà, đất có diện tích trên 102m2 tại số 88 phố Trung Liệt, quận Đống Đa; 2 căn hộ có tổng diện tích hơn 350m2 tại khu chung cư nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Ngoài hai vụ án nêu trên, ông Chung đang kháng cáo bản án sơ thẩm tuyên phạt ông 3 năm tù trong vụ "Vi phạm quy định đấu thầu" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, liên quan Công ty Nhật Cường nên chưa được tổng hợp theo quy định của pháp luật.
Hủy kê biên nhà đất của ông Nguyễn Đức Chung không ảnh hưởng đến vụ án khác?
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc thắc mắc, việc hủy kê biên ngôi nhà đất và hai căn hộ chung cư của ông Nguyễn Đức Chung có ảnh hưởng đến vụ án khác mà ông Chung cũng đang là bị cáo?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong các vụ án đang được giải quyết mà ông Nguyễn Đức Chung có phần trách nhiệm dân sự hoặc có hình phạt pháp luật quy định là phạt tiền, cơ quan tố tụng vẫn có thể tiếp tục áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản... để đảm bảo thi hành án nên việc hủy kê biên trong vụ án này không ảnh hưởng đến vụ án khác.
Ông Cường cho biết, kê biên tài sản là một trong các biện pháp ngăn ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Điều 130 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; bị cáo được tòa án tuyên không có tội; bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.
Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết.
Như vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 130 Bộ luật tố tụng hình sự, khi tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án và không tuyên phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không có hình phạt là phạt tiền đối với ông Nguyễn Đức Chung nên tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản là có căn cứ.
Quay lại phiên tòa xét xử, trong 2 ngày xét xử phúc thẩm, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban đầu kêu oan, nói "án sơ thẩm sai pháp luật" đồng thời đề nghị trả lại 10 tỷ đồng mà chị gái nộp khắc phục hậu quả thay mình. Viện kiểm sát trong phần tranh tụng sau đó đề nghị bác kháng cáo của ông Chung.
Tuy nhiên, sau khi được gặp vợ mình vào sáng 21/6, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội thay đổi quan điểm, ông đề nghị gia đình nộp thêm 15 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án để khắc phục toàn bộ trách nhiệm dân sự của mình.
Khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Nguyễn Đức Chung xin nhận trách nhiệm trong việc để công ty gia đình bán chế phẩm làm sạch nước ao hồ với giá cao, gây thất thoát cho ngân sách.
Đại diện Viện kiểm sát cũng căn cứ việc ông Chung và 2 đồng phạm khắc phục hết hậu quả để đề nghị tòa giảm hình phạt cho họ. Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.