Ông “nông cụ” ở miệt vườn

Thứ bảy, ngày 05/10/2013 07:03 AM (GMT+7)
Với 3 bằng độc quyền kiểu dáng nông nghiệp, nhiều bằng khen về những sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất lao động cho nhiều nông dân, ông Lê Phước Lộc là nông dân đa tài ở đất Tiền Giang.
Bình luận 0
Ngoài làm vườn, ông Lê Phước Lộc (ngụ xã An Hữu, huyện Cái Bè, Tiền Giang) còn là chủ doanh nghiệp làm kéo cắt tỉa Phước Lộc do ông sáng chế. Ông Lộc được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.

Ý tưởng từ cái mương nước

img

Những năm 2000, phong trào trồng cây ăn trái phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL, gia đình ông Lộc cũng sống chủ yếu dựa vào việc trồng các loại cây ăn trái như bưởi, cam sành… Trong quá trình làm vườn, việc tỉa cành, tạo tán cũng như thu hoạch trái gặp nhiều khó khăn do cành cây thường vươn dài ra các dòng kênh, rạch trong vườn. Thông thường, nông dân phải bắc thang từ dưới mương nước để leo lên cây, rất nguy hiểm.

Ông Lê Phước Lộc bên cần bao trái được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Ông Lê Phước Lộc bên cần bao trái được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Nghĩ đi nghĩ lại, ông Lộc nảy ra ý định chế tạo chiếc kéo cắt cành, giúp việc cắt cành, tạo tán đơn giản mà an toàn hơn. Ban đầu, kéo cắt cành dài 1,5–3,5m, làm bằng nhôm với đường kính 22mm. “Tôi làm thử cái kéo cắt cành đầu tiên đã thấy kết quả rất tốt, đường cắt sắc bén, không để lại dị tật cho cành, di chuyển gọn nhẹ nên hiệu suất lao động tăng hơn rất nhiều so với phương pháp thủ công là dùng thang” - ông Lộc phấn khởi nói. Bước đầu thành công với việc tỉa cành, tạo tán, cắt bỏ được những cành nhỏ đường kính từ 10mm trở xuống, ông Lộc tiếp tục phát triển chiếc kéo cắt cành thành dụng cụ thu hoạch trái. Theo đó, ông gắn thêm vợt hứng trái và kiềm kẹp bên dưới lưỡi kéo giúp giữ trái không bị rơi xuống đất, hạn chế tình trạng hao hụt, thất thoát.

“Ông nông cụ”

Từ thành công đầu tiên, ông Lộc không ngừng sáng tạo, chế tạo ra nhiều nông cụ khác, hỗ trợ hoạt động sản xuất cho nông dân ĐBSCL và cả nước.

Ông Lê Phước Lộc được cấp 3 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm kéo cắt tỉa, dụng cụ bao quả và vòi phun nước và nhiều bằng khen vì sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…


Ông Lộc cho biết, được nhiều nông dân trong vùng tin dùng, ông mở cơ sở sản xuất hàng loạt kéo cắt cành, hái trái. Mỗi năm, cơ sở của ông sản xuất, tiêu thụ khoảng 15.000 chiếc kéo cắt cành. Với giá từ 170.000–200.000 đồng/chiếc, ông thu lợi nhuận hơn 430 triệu đồng mỗi năm.

Không dừng lại ở đó, năm 2005, từ gợi ý của kỹ sư Trương Quốc Luận (Trạm Khuyến nông Cái Bè, Tiền Giang), ông Lộc chế tạo tiếp dụng cụ bao trái, giúp chống sâu rầy, côn trùng, nấm bệnh…

“Cũng giống như kéo cắt cành, dụng cụ bao trái giúp bao được cả những trái ở ngoài ngọn cây, không bao được bằng tay”- ông Lộc khoe. Hiện tại, mỗi năm cơ sở ông Lộc sản xuất được 3.000 công cụ bao trái, thu gần 130 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Lộc còn là “cha đẻ” của nhiều nông cụ khác, giúp việc làm vườn được thuận tiện hơn như vòi phun nước tự xoay, máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp… Lợi nhuận thu về từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông cụ trên đạt hơn 670 triệu đồng/năm. Ngoài ra, thu nhập từ vườn cây ăn trái của gia đình cũng đạt 70 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở kéo cắt tỉa Phước Lộc do ông Lộc làm chủ cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 nhân công trong vùng với mức lương trung bình từ 2 – 4 triệu đồng/tháng.

Ngọc Minh – Thuận Hải (Ngọc Minh – Thuận Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem