Ông nông dân Yên Bái ở trong Khe Dứa trồng cây gì, nuôi con đặc sản gì mà có tầm 15 tỷ trong tay?

Thứ sáu, ngày 04/02/2022 13:01 PM (GMT+7)
Từ hai tay trắng, ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã biến rừng hoang thành rừng quế xanh vút tầm mắt kết hợp chăn nuôi con đặc sản có trị giá hiện tại khoảng 15 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) còn nuôi các con đặc sản như nuôi lợn đen, gà đen, nuôi dê dưới tán rừng quế theo hướng thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ…; mỗi năm trừ chi phí còn lãi từ 200 - 250 triệu đồng.

Ông nông dân Yên Bái ở trong Khe Dứa trồng cây gì, nuôi con đặc sản gì mà có tầm 15 tỷ trong tay? - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Thuận ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) chăm sóc dê.

Ban đầu, tiềm lực kinh tế không có, ông Thuận chỉ mua đất ở những khu vực khó khăn nhất như không có đường đi lại, người dân ít canh tác, đất cằn…

Tuy nhiên, với quyết tâm hình thành cho mình một vùng trồng quế hữu cơ quy mô lớn, mỗi năm ông Thuận tích lũy mua thêm một ít, giờ đây, ông đã sở hữu 50 ha rừng chủ yếu trồng cây quế ở khu vực Ngòi Vàng thuộc thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn. Có được diện tích đất như dự tính, ông Thuận bắt tay vào trồng quế. 

Ông Thuận chia sẻ: "Không để lãng phí quỹ đất, tôi đã dành thời gian tìm tòi, học hỏi cách kết hợp giữa trồng quế và chăn nuôi dưới tán lá để làm sao cho cây quế vẫn phát triển mà chăn nuôi cũng mang lại thu nhập ổn định. 

Cuối cùng, tôi mạnh dạn đưa giống lợn đen bản địa, gà đen và dê vào chăn nuôi. Những giống này, được nuôi thả trên rừng và thức ăn của chúng chủ yếu là cây cỏ dại, ngô hạt và đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được công làm cỏ; đồng thời, tạo ra được những sản phẩm đặc trưng của địa phương”.

Để mô hình nuôi con đặc sản dưới tán rừng quế này thực hiện thành công, ngay khi bắt tay vào nuôi lợn, gà, dê đặc sản, ông Thuận tự mình tuyển chọn kỹ càng con giống để đảm bảo độ thuần chủng cao, chất lượng thịt ngon. 

Phương châm phát triển của ông là, không mua giống để nhân đàn mà phát triển từ chính những con giống đã tuyển chọn sinh sản ra đến đâu sẽ nuôi đến đó. 

Hiện tại, gia đình ông đang duy trì 8 con dê giống và 80 - 100 con dê thương phẩm; nuôi 20 con gà cẩm giống và 400 - 500 con gà thương phẩm; đàn lợn duy trì 8 con nái và có từ 60 - 70 con thương phẩm trong chuồng. 

Sản phẩm con đặc sản của gia đình ông đang rất được ưa chuộng và nhiều người tự tìm đến đặt mua. Bình quân mỗi năm, trừ tất cả các khoản chi phí, gia đình ông Thuận thu về từ gà, dê, lợn dao động quãng 200 - 250 triệu đồng và ông sẽ tiếp tục nhân rộng thêm quy mô để tạo khối lượng sản phẩm lớn. 

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, với cách làm và thành quả đạt được, ông Thuận còn tuyên truyền, vận động mọi người làm theo, nhất là những hộ đang trồng quế cùng thực hiện chăn nuôi sản phẩm đặc sản, hữu cơ dưới tán rừng để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. 

Theo đó, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy, học tập được trong cách làm như: cách quy hoạch, chọn con giống, chăm sóc, phòng bệnh… ông Thuận đều truyền đạt lại cho mọi người đến tham quan, học tập. 

Với bước đi mạnh dạn, chủ động đổi mới cách làm ăn, không chỉ giúp ông Thuận trở thành tỷ phú mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở Văn Yên (Yên Bái)...


Trần Ngọc (Báo Yên Bái)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem