Ông Phạm Công Danh và Trầm Bê thân nhau cỡ nào?

Thứ ba, ngày 09/01/2018 08:01 AM (GMT+7)
Nhiều nhân chứng, người liên quan vắng mặt tại phiên xử.
Bình luận 0

Ngày 8.1, TAND TP.HCM bắt đầu phiên xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), tòa dự tính sẽ kéo dài trong một tháng và có thể làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật. Bị cáo Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm cùng bị truy tố về tội cố ý làm trái theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự (BLHS) có mức hình phạt từ 10 đến 20 năm tù. Tại phiên xử này, dư luận quan tâm đến mối quan hệ hai nhân vật chính trong vụ án là ông Phạm Công Danh và ông Trầm Bê.

Phi vụ 5 ngày 1.800 tỷ đồng

Tại tòa, trong phần thẩm tra lý lịch, ông Bê khai bản thân trình độ văn hóa là 6/12, trước đó là Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank. Khi bị bắt vào tháng 8.2017, ông khai là vào tháng 4.2013, ông Danh sang Sacombank nói là vay khoảng 2.000 tỷ đồng. Bị cáo Bê đồng ý cho ông Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.

Sau đó, ông dẫn Danh xuống phòng làm việc của bị cáo Phan Huy Khang (thành viên HĐTD, Tổng giám đốc Sacombank). Tại đây, cả ba thống nhất việc Sacombank cho Danh vay từ 1.300 đến tối đa 1.800 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo. Nhưng phải trình lên HĐQT quyết định, sẽ mất thời gian bị cáo Bê đã giao cho Khang thực hiện việc cho Danh vay tiền. Cũng theo ông Bê, vì cho rằng ông Danh (khi đó là chủ tịch HĐQT VNCB) không được phép vay tiền tại VNCB nhưng có thể vay ở Sacombank nên ông đã đồng ý cho vay.

Sau khi được đồng ý, ông Danh chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị nguồn tiền bảo lãnh, lập phương án kinh doanh, hồ sơ vay, theo yêu cầu của Sacombank. Cấp dưới ông Danh đã hoàn tất sáu bộ hồ sơ của sáu công ty để vay tiền. Cuối cùng ông Trầm Bê đã phê duyệt các khoản vay dù hồ sơ chưa đầy đủ. Khi quá hạn vay, sáu công ty không trả được nợ, Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank nhưng gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỷ đồng.

img

Ông Phạm Công Danh. Ảnh: H.Yến

Điều tra bổ sung, CQĐT xác định lời khai của ông Bê phù hợp với lời khai của ông Danh. Cụ thể sau nhiều lần chỉ đạo, ông Phan Đình Tuệ là người trực tiếp triển khai việc cho VNCB vay 1.800 tỷ đồng. Ông Tuệ đã làm việc với Giám đốc Sacombank Chi nhánh Hưng Đạo và giám đốc Sacombank Chi nhánh quận 8 trực tiếp xuất số tiền trên. Toàn bộ 1.800 tỷ đồng đã được chuyển vào tài khoản của ông Danh.

Việc thẩm định hồ sơ chỉ diễn ra trong năm ngày được ông Bê và ông Khang thừa nhận có sai sót khi hồ sơ vay vốn của sáu công ty không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài về năng lực tài chính…

VKS đề nghị triệu tập ông Trần Bắc Hà

13 cá nhân khác của Sacombank đã thực hiện các hoạt động cho vay đối với 1.800 tỷ đồng này cũng được lấy lời khai. Cáo trạng nêu: “CQĐT đánh giá hành vi của những người liên quan này không cấu thành tội phạm đề nghị cơ quan quản lý xử lý hành chính hoặc kỷ luật. Nhưng để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan toàn diện, không oan sai, không bỏ lọt tội, đề nghị HĐXX và đại diện VKS điều tra công khai tại tòa để làm rõ hành vi vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân nếu có căn cứ tiếp tục xử lý”.

Tại phiên xử này, các cá nhân trên đã được triệu tập trong số gần 200 người và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Đặc biệt chiều 8.1, trước khi kết thúc phần thủ tục, đại diện VKS có ý kiến yêu cầu HĐXX phải triệu tập nhiều người, trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) để phục vụ công tác xét hỏi, tranh luận tại tòa. Ông Hà nằm trong danh sách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng khi chủ tọa xướng tên thì vắng mặt và cũng không cử người đại diện đến tòa.

Hồ sơ thể hiện ông Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro BIDV, trên cơ sở các thành viên ban này đồng ý về chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay mua vật liệu xây dựng (số tiền tối đa 4.700 tỷ đồng/12 công ty). Sau đó ông ủy quyền cho bốn chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện việc cho vay và thu nợ.

Hiện BIDV đã thanh lý các hợp đồng nói trên và thu hồi vốn, lãi 4.700 tỷ đồng. Ông Danh sử dụng tiền vay của BIDV vào mục đích riêng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng. Kết luận điều cho nêu: Chưa thấy chứng cứ nào thể hiện ông Hà và các thành viên hưởng lợi từ việc cho 12 công ty của ông Danh vay nên không đủ kết luận là đồng phạm với ông Danh về tội cố ý làm trái.

Có ba cán bộ của BIDV là bị cáo trong vụ án là ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh.

Hai bị cáo liên tục được chăm sóc sức khỏe

Ngày xét xử đầu tiên hai bị cáo Danh và Bê đã được tòa nhiều lần cho ra ngoài chăm sóc sức khỏe. Cuối buổi xử, cả hai được ra ngoài phòng riêng nghe qua loa việc HĐXX tiến hành các thủ tục.

Trước khi xử, tòa cũng nhận được đơn kiến nghị của ông Danh cho rằng đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe như huyết áp, viêm đường ruột mạn tính, suy thận giai đoạn 2… Từ đó, ông đề nghị được tạo điều kiện y tế để có đủ sức khỏe tham dự phiên tòa. Cạnh đó, ông còn đề nghị được trả lời ít tại phiên tòa. Tại tòa, ông Danh với mái tóc bạc, đi nặng nề từng bước theo công an dẫn giải, khi trả lời thẩm vấn thì than mệt và trí nhớ kém…

Còn ông Bê được cho biết sức khỏe yếu hơn trước khi bị bắt. Ông có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu… Luật sư của ông cũng cho biết đã gửi bệnh án cho tòa và đề nghị để ông này được ngồi trong quá trình xét xử.

Những con số trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh. Nguồn: Zing

Hoàng Yến (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem