Trả lời câu hỏi của luật sư: “Bị cáo có thể cho biết, lỗi của ông xuyên suốt quá trình là gì, ở đâu, thời gian nào, có hành vi gì gây ra lỗi “lợi dụng chức vụ quyền hạn” như đã bị truy tố?", bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết: “Cho tới giờ này, tôi có lỗi trong quá trình tổ chức chỉ đạo. Qua vụ án này, tôi thấy lỗi của tôi là tin tưởng cấp dưới, thiếu kiểm tra đôn đốc, tin tưởng vào chuyên môn của cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao”.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh. Ảnh: Phan Anh
Bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng cho biết, bị cáo đã thiếu quản lý cán bộ thuộc diện mình quản lý để từ đó có những chỉ đạo kịp thời; thiếu chỉ đạo quyết liệt, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
“Trong đấu tranh với tội phạm nói chung và sử dụng công nghệ cao nói riêng, tôi chưa có phút giây nào lơ là, thiếu kiên quyết chỉ đạo. Kính mong HĐXX, Viện Kiểm sát soi xét bằng chứng cứ, kể cả chứng cứ vật chất để minh chứng cho tôi”, bị cáo Vĩnh nói.
Bị cáo Vĩnh cũng phân trần: "Tôi thấy rằng, tới lúc này, cả cuộc đời 45 năm cống hiến và công tác trong ngành công an, tôi cũng hy sinh, mất mát, chia sẻ với lực lượng công an nhân dân, mong muốn đất nước, nhân dân được bình yên hơn. Với tiêu chí là lực lượng của dân, do dân, luôn phục vụ vì dân, tôi chưa có mảy may ý thức đi ngược lại những điều đó”.
Ông Vĩnh cũng cho biết, với lĩnh vực tội phạm công nghệ cao, việc cập nhật thông tin tiếp cận của ông còn hạn chế. “Tôi lại có lực lượng C50 là chuyên gia hết sức có năng lực, có thể tấn công tội phạm ở bất kể lĩnh vực gì về công nghệ cao. Cuộc đời hoạt động như vậy, tin vào cấp dưới, tin vào anh em là hết sức thường tình”.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng cho biết, trong cuộc đấu tranh phức tạp, bị cáo không thể biết được hậu quả lại xảy ra nặng nề như thế này, trong đó có cả tội phạm nguy hiểm bị truy nã, cơ quan điều tra chưa bắt được. “Đó là chưa kể nhiều gia đình nạn nhân phải chịu hậu quả rất lớn sau vụ án này, lương tâm tôi rất trăn trở, cắn rứt”, bị cáo Vĩnh nói.
Bị cáo Vĩnh cũng cho biết, trước đó với vai trò là Tổng cục trưởng, chịu trách nhiệm của Bộ Công an giao cho, bị cáo thấy trách nhiệm của mình thực sự hết sức nặng nề. “Cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm trước nhân dân, việc để cho vụ án này xảy ra hết sức nặng nề, hậu quả hết sức nghiêm trọng. Rất mong Viện Kiểm sát, HĐXX bằng những bằng chứng và chứng cứ xem xét trách nhiệm của tôi ở từng giai đoạn và minh giám cho tôi”, ông Vĩnh nói.
Cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ xác định, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực. Đây cũng là lý do đường dây đánh bạc hoạt động trong thời gian dài nhưng không bị triệt xóa.
Phan Văn Vĩnh khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã ký văn bản công nhận CNC là công ty bình phong trái quy định. Với chức vụ là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Phan Văn Vĩnh là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội Đánh bạc nhưng lại ký văn bản trái nguyên tắc cho phép Nguyễn Văn Dương hợp thức, công khai game bài để tổ chức đánh bạc. Hàng loạt dấu hiệu “chống lưng” cho đường dây đánh bạc của 2 tướng công an cũng được các cơ quan tố tụng Phú Thọ chỉ rõ: Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC thuê lại chính trụ sở của mình ở số 10 Hồ Giám, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội để vận hành hệ thống đánh bạc. Tại trụ sở của CNC còn gắn biển tên “Bộ Công an - Cục C50; Phòng làm việc của thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng”. Điều này đã thể hiện người đứng đầu cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm, đồng thời ngăn cản có hiệu quả đối với cơ quan cấp dưới hoặc các cơ quan khác xác minh khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của Dương và đồng phạm.
Phan Văn Vĩnh còn chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.clup và bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức nhằm che giấu góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện, yêu cầu báo cáo việc Công ty CNC vận hành 2 game bài RikVip.com và 23zdo.com đánh bạc trá hình, thì Phan Văn Vĩnh đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo, còn chỉ đạo cấp dưới báo cáo không đúng sự thật.
Tại cơ quan điều tra, Phan Văn Vĩnh khai động cơ mục đích trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc là để tạo “nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng là một nhiệm vụ chiến lược của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao”. Tuy nhiên, trong thời gian CNC tổ chức đánh bạc thu lợi bất chính hàng nghìn tỉ đồng, không có khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, ngoại trừ khoản tiền rất nhỏ so với tổng doanh thu là 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt vi rút Symantec trị giá 30.000 USD cho C50.
Các cơ quan tố tụng Phú Thọ xác định, số tiền thu từ tổ chức đánh bạc trực tuyến chứng minh được hơn 9.853 tỷ đồng là những khoản tiền bất chính nên sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ để thu hồi. Trong đó là các khoản hưởng lợi bất chính của các cá nhân như Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam...; các khoản tiền từ các nhà mạng phát hành thẻ cào như Viettel, MobiFone... khoảng 372 tỷ đồng; các khoản tiền từ các đơn vị trung gian thanh toán như Công ty Epay, Ngân lượng, các nhà phát hành thẻ game như VTC online, VNG và khoảng 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM có liên quan đến hoạt động đánh bạc.
Đáng chú ý, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam khai nhận đã chi hàng triệu USD và hàng chục tỷ đồng cho Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa. Do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đã tách ra tiếp tục điều tra ở giai đoạn 2.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.