NTNN - Gần 20 năm làm trưởng bản, ông Lương Văn Hợi đã cùng với bà con đưa bản mình thành một trong số ít bản nhiều cái "có" nhất của huyện Thường Xuân, Thanh Hoá.
Chúng tôi tới nhà trưởng bản Lò Văn Hợi khi bóng chiều đã khuất sau dãy núi Nưa. Ngôi nhà sàn thoáng mát của ông nằm dưới chân núi, bên những rừng keo tít tắp.
Trưởng bản Lương Văn Hợi đến các gia đình tuyên truyền chính sách mới của nhà nước.
Thóc gạo đầy chum
Tiếp chúng tôi bên ấm chè lá vối mát lịm, ông Hợi kể về những ngày tháng làm cán bộ thôn. Học xong cấp 3, ông thi đậu vào Trường CĐ Sư phạm.Là con út trong gia đình đông anh em, khó khăn nên ông phải gác ước mơ làm thầy giáo. Ở lại quê nhà, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư đoàn xã và bây giờ cùng lúc giữ hai chức vụ: Trưởng bản Tiến Sơn 1 và uỷ viên HĐND xã.
Gần 20 năm cùng bà con "chia ngọt sẻ bùi", được hỏi về công việc của mình, trưởng bản Lương Văn Hợi khiêm tốn: "Mình là đảng viên thì phải gương mẫu". Nói vậy, nhưng công lao của trưởng bản Lương Văn Hợi bà con trong bản "ghi lòng tạc dạ".
Bà Hà Văn Lá, 90 tuổi, thuộc hộ chính sách nghèo, Tết vừa rồi vừa được nhận căn nhà tình nghĩa. Bà bảo: "Trưởng bản Hợi nhiệt tình lắm, nhờ có nó mà dân bản có cái đường để đi. Trẻ con có cái cầu nên không phải lội suối, có cái trường để học, lại có cả cái nhà văn hoá mới xây to lắm. Bây giờ dân bản không còn ai đói nữa, thóc gạo đầy chum rồi. Giàcó nhà mới để ở, mưa không sợ lạnh nữa".
Còn ông Hợi tâm sự: "Việc nhà nhiều, việc bảnbận, nhiều lần tôi xinthôi chức trưởng bản, nhưng bà con tín nhiệm, tôi từ chối không được”. Vợ ông, bà Lục Thị Tân nói rằng nhiều lúc không khỏi chạnh lòng vì cái sự "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của chồng. Phụ cấp trưởng bản mỗi tháng của ông là 190.000 đồng, chưa đủ ăn, nói gì đến lo cho 2 con đi học.
Đã làm phải làm tốt
Tiến Sơn 1 có khoảng 16km đường rừng, nhiều khi ông Hợi phải đi nửa ngày mới đến đượcmột nhà để vận động hay đơn giản chỉ để phổ biến chủ trương của xã. Khổ nhất là mỗi lần họp bình xét hộ nghèo, đôi khi ông phải đóng vai "Bao Công" để bình xét sao cho thật công bằng. Khó khăn là thế nhưng trưởng bản Lương Văn Hợi vẫn cố gắng: "Cũng vì dân, vì trách nhiệm của người đảng viên, dân đã tín nhiệm thì phải làm, đã làm thì phải làm cho tốt".
Tết Canh Dần, trưởng bản Hợi vất vả chạy vạy ứng mua nguyên vật liệu cho bà con nghèo trong bản xây nhà theo diện 134 và 167. "Họ được hỗ trợ ít quá, tôi bảo lãnh để ứng vật liệu làm nhà cho bà con có nhà mới đón cái Tết trọn vẹn. Giờ vẫn chưa có tiền để trả" - ông tâm sự.
Nhiều gia đình khó khăn, gia đình chính sách không đủ tiền xây nhà, ông đã huy động đoàn thanh niên, bà con trong bản giúp đỡ. Từ chỗ có 60% hộ nghèo, đến nay Tiến Sơn 1đã thay đổi quan trọng: Được công nhận là bản văn hoá cấp huyện, 100% thanh niên không nghiện ngập, cờ bạc, lễ Tết, ma chay, cưới hỏi đều được tổ chức theo nếp sống mới; nhà nào cũng có con trâu để cày, có xe máy để chạy ra thị trấn...
Chia tay chúng tôi, ông trăn trở: "Tôi mong xây thêm trường học để các cháu không phải học ghép ca, ghép lớp. Làm thêm mấy cái cầu và con đường để các cháu yên tâm đến trường trong mùa mưa lũ...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.