Không đình chỉ lưu hành thuốc giả, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường hầu tòa

Bách Thuận - Gia Bình Thứ năm, ngày 12/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hôm nay (12/5), Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ông Trương Quốc Cường – cựu Thứ trưởng Bộ Y tế và các đồng phạm ra xét xử trong vụ cho lưu hành thuốc giả.
Bình luận 0

6 luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Y tế

Cụ thể, sáng nay Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược – Bộ Y tế".

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 2 bị cáo Nguyễn Việt Hùng (SN 1956, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế), Lê Đình Thanh (SN 1982, nguyên công chức Cục Hải quan TP.HCM) bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 285, khoản 2, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Không đình chỉ lưu hành thuốc giả, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường hầu tòa - Ảnh 1.

Cùng bị truy tố với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế là Nguyễn Minh Hùng (ảnh) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma. Ảnh: Hữu Khoa/VNE

9 bị cáo: Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (SN 1978, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (SN 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Ngô Anh Quốc (SN 1984, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Phan Cẩm Loan (SN 1973, nguyên Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (SN 1982, nguyên Kế toán trưởng Công ty VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (SN 1963, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn), Phạm Quỳnh Trang (SN 1980, nguyên nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Thị Quyết (SN 1983, nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) bị truy tố về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", quy định tại Điều 157, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 1999.

2 bị cáo còn lại là Phạm Hồng Châu (SN 1957, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế), Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1976, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 281, khoản 2, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Phiên tòa này có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia, riêng ông Trương Quốc Cường có 6 luật sư bào chữa.

Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng đã triệu tập 51 người làm chứng; 6 tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, Tổng cục Hải quan, Hải quan TP.HCM, Công ty VN Pharma…

Về nội dung vụ án, cơ quan truy tố cáo buộc, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý dược và hải quan, trong các năm 2008 – 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng và ông Lê Văn Sơn lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Cudupha, Công ty Vimedimex đứng tên xin cấp số đăng ký.

Không đình chỉ lưu hành thuốc giả, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường hầu tòa - Ảnh 2.

Hội đồng xét xử triệu tập nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có Hải quan TP.HCM. Ảnh minh họa

Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả nhưng do một số cán bộ của Cục Quản lý dược thiếu trách nhiệm, hoặc có động cơ cá nhân đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt nên 7 loại thuốc Extrafovir, Kaderox-250, Kafotax-1000, MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin, H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada được cấp số đăng ký.

Sau khi các thuốc trên được cấp số đăng ký, Nguyễn Minh Hùng đã cấu kết với Nguyễn Lê Xuân Khang, Võ Mạnh Cường cùng các nhân viên Công ty VN Pharma, Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C và một số đối tượng khác thực hiện thủ đoạn để buôn bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh.

Nhiều cơ quan cảnh báo nhưng ông Trương Quốc Cường vẫn cho lưu hành thuốc giả

Ở một diễn biến khác, tài liệu truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thể hiện, sau khi xảy ra vụ án VN Pharma giai đoạn I, Cục Quản lý dược đã ban hành văn bản số 14097 ngày 19/8/2014, số 14654 ngày 26/8/2014, gửi bằng đường văn thư và qua thư điện tử, đề nghị Đại sứ quán Canada tại Việt Nam xác minh thông tin về 4 công ty dược của Canada đang hoạt động về thuốc tại Việt Nam, trong đó có Công ty Health 2000 Canada.

Văn bản có nêu các thông tin như địa chỉ email, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax của Cục Quản lý dược để tiếp nhận kết quả xác minh.

Sau đó Cục đã nhận được 2 email phản hồi đề nghị xác minh, trong đó email ngày 2/10/2014 của Cơ quan Điều tra và Xác minh sự tuân thủ thanh tra sản phẩm y tế và thực phẩm Bộ Y tế Canada (viết tắt là Cơ quan điều tra Canada).

Theo đó, đơn vị này phản hồi như sau: Bộ Y tế Canada xin thông báo với quý cơ quan rằng cả Helix Pharmaceuticals Inc. và Health 2000 Inc. đều không sở hữu giấy phép sản xuất thuốc hợp lệ, cũng như không có bất kỳ sản phẩm nào có mã định danh sản phẩm thuốc hợp lệ, do đó các công ty này không có bất kỳ sản phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Canada.

Không đình chỉ lưu hành thuốc giả, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường hầu tòa - Ảnh 3.

Nhiều cơ quan đã cảnh báo, tuy nhiên ông Trương Quốc Cường vẫn cho lưu hành thuốc giả. Ảnh: DV

Một người đã in các email trên ra giấy và báo cáo nguyên Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhưng ông này đã bút phê "Cần có con dấu + chữ ký".

Ngày 3/11/2014, bị can Trương Quốc Cường đã bút phê vào phiếu trình số 86/PCD (báo cáo về tình hình phối hợp trong việc xác minh tình trạng pháp lý của các công ty dược Canada và việc tiếp nhận thông tin phản hồi từ Canada): "Tôi đã đề nghị cần có công văn chính thức (có letter head và dấu, chữ ký"; Đề nghị lưu hồ sơ báo cáo cơ quan chức năng khi có yêu cầu".

Đến ngày 13/11/2014, ông Trương Quốc Cường chỉ đạo Phó Cục trưởng Nguyễn Việt Hùng ký công văn gửi A83 (Cục An ninh chính trị nội bộ) Bộ Công an đề nghị phối hợp xác minh về Health 2000 Canada và Phó Cục trưởng Nguyễn Tất Đạt ký công văn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tạm dừng nhập khẩu các thuốc do Health 2000 Canada sản xuất hoặc cung cấp vào Việt Nam.

Ngày 1/12/2014, Cục Giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản tạm dừng nhập khẩu thuốc Health 2000 Canada.

Ngày 21/11/2014, A83 (nay là A03) ban hành công văn đóng dấu "Mật", gửi ông Cường đề nghị cung cấp tài liệu về các thuốc Health 2000 Canada.

Cơ quan truy tố cáo buộc, mặc dù nhận được nhiều nguồn thông tin cảnh báo như trên nhưng bị can Trương Quốc Cường không quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada đã nhập khẩu.

Điều này dẫn đến hậu quả là sau ngày 21/11/2014, 4 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được cung cấp cho các đơn vị kinh doanh dược, các cơ sở y tế để bán, sử dụng điều trị cho người bệnh, có trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem