Nhiều đại biểu tham dự sự kiện này đã đánh giá sự hợp tác này mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, người nông dân Campuchia và quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia.
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Cty CPPB Bình Điền, cho rằng việc mở hướng kinh doanh và làm ăn thành công của Phân bón Đầu Trâu tại Campuchia (CPC) 10 năm qua, là do có cái cơ may, cơ duyên bắt đầu từ cuộc gặp gỡ vào cuối năm 2002 giữa ông và ông Onha Pher Hok Chhuon - TGĐ Tập đoàn YETAK.
|
Trao đổi cách thức sử dụng phân bón Đầu Trâu với nông dân Campuchia |
Lúc đó, ông Chhuon sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây điều theo sự mách bảo của cán bộ kỹ thuật thuộc Bộ Nông lâm ngư nghiệp CPC. Chuyến đi của ông đạt thắng lợi kép, ở chỗ ông hiểu biết được nhiều từ các chuyên gia về cây điều của Việt Nam và được gặp ông Phong, Giám đốc Cty Phân bón Bình Điền.
Không chỉ là cơ duyên…
Khi đó, ông Phong bảo ông Chhuon cứ mang phân bón Đầu Trâu về mà “xài” theo chỉ dẫn của những nhà khoa học, chuyên gia của Bình Điền. Nếu vụ tới năng suất không đạt 1.000 kg hạt/ha (hiện chỉ đạt 300 ký) thì khỏi phải trả tiền. Ông Chhuon hơi sững người bởi cách thức làm ăn của ông Phong, vội về nước thu xếp đón các cán bộ kỹ thuật của Bình Điền và chở liền về 50 tấn phân bón NPK Đầu Trâu.
Kết quả như ngoài mong đợi của ông Chhuon. Năng suất vụ điều năm 2003 của ông Chhuon đạt trên 1.000 kg/ha. Ông Chhuon vui mừng, sang báo cáo với ông Phong và ký ngay thỏa ước hợp tác, trở thành Tổng đại lý phân phối độc quyền phân bón Đầu trâu tại CPC.
Nhưng thật chẳng dễ dàng chút nào, ông Chhuon nhớ lại: “Năm 2003, khi mang phân Đầu Trâu xuống bán cho nông dân trồng lúa ở các tỉnh, lại phải mang về vì người dân CPC không quen dùng phân bón NPK. Họ quen với tập quán canh tác mỗi năm một vụ bằng nước trời, phân bón hữu cơ, chỉ dùng một ít phân Ure và DAP do chính phủ cho không. Họ không dám sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, lại nghèo, lấy đâu tiền mua phân bón. Phải làm sao đây?”
Nỗi lo của ông Chuon sự thực đã nằm trong lộ trình được vạch ra từng bước, rất cụ thể và quyết liệt của Bình Điền.
Trước khi đưa sản phẩm sang CPC, Bình Điền cử cán bộ kỹ thuật sang khảo sát kỹ thổ nhưỡng, để sản xuất ra những chủng loại phân bón phù hợp nhất với những loại cây, trên vùng đất cụ thể… Tiếp đó là tổ chức các điểm sản xuất trình diễn. Hàng trăm điểm rải đều ra khắp các tỉnh trọng điểm trồng lúa và hoa màu.
Cán bộ kỹ thuật của Bình Điền trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng xắn quần lội ruộng chăm sóc lúa từ khâu gieo sạ cho tới lúc thu hoạch. Rồi lấy kết quả đối chứng, rút tỉa kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Trăm nghe không bằng một thấy, kết quả khảo nghiệm đã giúp nông dân tại Campuchia dần dần tin vào phân bón Đầu Trâu và kỹ thuật canh tác lúa của Việt Nam.
Rồi Bình Điền tổ chức tập huấn nhân rộng cho đại lý và cửa hàng bán lẻ phân bón, cấp chứng chỉ “Đại lý phân bón Đầu Trâu chuyên nghiệp” cho người bán hàng… Hàng chục lớp tập huấn đã được mở, hàng trăm lượt người tham gia.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ từ trường Đại học Cần Thơ (thành viên Hội đồng cố vấn khoa học của Bình Điền), nói: “Người dân CPC rất cầu thị. Bình Điền mở lớp ngay tại sảnh chùa, họ đến rất đông, lắng nghe và ghi chép cẩn thận”.
Khi người dân đã hiểu, đã tin thì người ta sẽ làm theo. Sản lượng tiêu thụ phân bón Đầu Trâu cứ tăng dần qua từng năm, từ chỗ chỉ được 2000 tấn (năm 2003), đến năm 2012 đã là 100 ngàn tấn. Từ chỗ chỉ có vài tỉnh giáp biên giới Việt Nam, đến nay phân bón Đầu Trâu đã có mặt ở tất cả 26 tỉnh thành của CPC, cạnh tranh sòng phẳng với hàng cùng loại từ Thái Lan, Philippines…
“Giúp người dân Campuchia nâng cao được thu nhập”
Chỉ là cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa hai doanh nghiệp với những nhà phân phối và nhà nông sản xuất giỏi kỷ niệm 10 năm hợp tác mà cả Phó Thủ tướng thường trực, bà Lok Chumter Dr. Men Sam An và ngài Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp CPC Cha Sa Run, cùng 20 Giám đốc sở nông lâm ngư nghiệp các tỉnh thành tới dự.
Cả bà Phó Thủ tướng và ngài Bộ trưởng đều rất tự hào được đến chung vui với hai công ty của hai nước. Bà Phó Thủ tướng đánh giá cao việc tập đoàn YETAK đã chọn nhập khẩu đúng chủng loại phân bón có chất lượng tốt cho đồng đất CPC.
Phó thủ tướng Campuchia phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm: “Điều đó giúp người dân CPC nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, đất nước giữ vững được an ninh lương thực. Nó giúp phát triển nông lâm nghiệp, khu vực đang được Chính phủ Vương quốc đặt vào vị trí số 1 hiện nay, với quyết tâm từ năm 2015 phải xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo”.
Thật khó có DN nước ngoài nào được nước sở tại ưu ái như Bình Điền. Việc Chính phủ Vương quốc CPC tặng Huân chương lao động cho TGĐ Lê Quốc Phong thể hiện rõ điều đó.
Cần lắm một chính sách hỗ trợ
Trong niềm vui, xúc động hiếm có với người quản lý doanh nghiệp từng trải, ông Phong thoáng chút tâm tư: “Nhà nước đang để DN tự bơi, tự bươn trải, chưa có hỗ trợ gì cụ thể, thể hiện ở chính sách giúp DN trụ đứng và phát triển được đầu tư ở nước ngoài…”
Về nước, đem suy tư này đến Viện KHNN Việt Nam, chúng tôi được PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, GĐ Viện, người rất quan tâm tới hoạt động SX-KD của Bình Điền, ông Bộ hưởng ứng: “Nhà nước cần ủng hộ các DN đầu tư ra nước ngoài, vì đây không đơn thuần chỉ là lợi ích, hiệu quả kinh tế, mà còn là chính trị.
DN Việt Nam đầu tư vào CPC, Lào, Mianmar, tới đây là Bruney là rất đáng khuyến khích, vì qua kinh tế sẽ thắt chặt thêm quan hệ ngoại giao, hữu nghị. Như hoạt động của Bình Điền 10 năm qua tại CPC. Đó là chính trị, rất đáng tự hào. Các nước họ hỗ trợ tốt, ta chưa thấy cái này nhiều. Nếu không các nước có tiềm lực kinh tế sẽ vào sâu hơn ta. Ta mất dần cơ hội.”
Trần Đình Thế
Vui lòng nhập nội dung bình luận.