Sáng nay, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Nho Trung, Uỷ viên Ban thường vụ thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho hay, đến nay vẫn chưa có chỉ đạo nào từ Ban thường vụ thành ủy hoặc các lãnh đạo về quyết định như thế nào đối với chức danh Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng của ông Nguyễn Xuân Anh - người vừa bị Bộ Chính trị cách chức Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Xuân Anh.
"Cái đó bây giờ phải chờ ý kiến bên Ban thường vụ. Các anh ấy phải có chỉ đạo bên HĐND mới làm. Cơ bản là phải làm theo luật. Hiện nay, Luật tổ chức chính quyền địa phương đã ghi rõ" - ông Trung nói.
Theo đó, Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ 1.2016 quy định rõ về các trường hợp từ chức, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đối với chức danh Chủ tịch HĐND và các chức danh khác trong HĐND. Trong đó, tại điều 84 Luật số 77/2015/QH13 quy định, các trường hợp như từ chức, miễn nhiệm hay bãi nhiệm đều phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Ông Nguyễn Nho Trung cho hay, lịch sử Đà Nẵng chưa có ai bị bãi chức Chủ tịch HĐND. "Lâu nay chưa thấy ai, tôi thấy những Chủ tịch HĐND trước đó cứ đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ thôi”, ông Trung nói.
Về quy trình, ông Nguyễn Nho Trung cho biết, miễn nhiệm, bãi nhiệm hay một động thái nào khác thì khi có chỉ đạo cụ thể của Ban thường vụ, HĐND thành phố hoặc sẽ phải thực hiện chỉ đạo trong kỳ họp HĐND. Theo đó, hoặc là họp bất thường, hoặc sẽ chờ đến kỳ họp. Theo luật, họp bất thường chậm nhất phải thông báo trước 7 ngày, họp thường kỳ 1 năm 2 lần phải thông báo chậm nhất trước 20 ngày.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Tự Cường - nguyên Trưởng ban dân vận thành ủy Đà Nẵng cho rằng, việc xử lý chức danh Chủ tịch HĐND đối với ông Xuân Anh không sớm thì muộn, khó tránh khỏi. "Sai phạm được kết luận rõ ràng thế rồi, không thể khác được. Với lại, Chủ tịch HĐND phải là người có uy tín", ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.