Pacific Airlines nợ quá lớn, gặp khó khi tìm kiếm nhà đầu tư

Hồng Trâm Thứ ba, ngày 28/06/2022 17:36 PM (GMT+7)
Vietnam Airlines đang xin cơ chế vận dụng quy định của nhà nước, lựa chọn nhà đầu tư để giải quyết tình trạng tài chính khó khăn của công ty con là Pacific Airlines.
Bình luận 0

Ngày 28/6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines đã tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Tại cuộc họp, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines cho biết đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện Vietnam Airlines, trong đó có phương án tái cơ cấu công ty con Pacific Airlines.

Cụ thể, vị lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay đến tháng 6/2022, tình hình tài chính Pacific Airlines rất nghiêm trọng. Pacific Airlines đang bị thiếu hụt dòng tiền và đe dọa lớn đến khả năng thanh toán, có thể phải chấm dứt hoạt động. Trong khi đó, việc lựa chọn nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách theo quy định hiện hành.

"Tính đến tháng 6/2022, tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, nợ quá hạn lớn, nguy cơ mất khả năng thanh toán. Quy trình tìm kiếm nhà đầu tư mới (thay thế cổ đông Qantas trước đây) đang gặp nhiều vướng mắc", ông Hòa nói.

Pacific Airlines "gặp khó" khi tìm kiếm nhà đầu tư - Ảnh 1.

Vietnam Airlines đang tái cơ cấu công ty con Pacific Airlines. Ảnh: H.T

Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Kế toán Vietnam Airlines, cho hay doanh nghiệp này đã chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng vào Pacific Airlines cũng như định giá để xem xét giá trị công ty. Tuy nhiên, vướng mắc trong việc tìm kiếm nhà đầu tư mới liên quan đến chuyển nhượng của các doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước.

"Hiện, Vietnam Airlines đã làm việc với các cơ quan có liên quan, chọn nhà đầu tư như thế nào, bán riêng lẻ hay phải đấu thầu công khai rộng rãi cũng đều phải căn cứ theo các luật hiện nay, nhưng đi vào từng văn bản luật thì đều vướng.

Lý do Pacific Airlines có đặc thù là lỗi luỹ kế nhiều năm nay, cách thức chuyển nhượng như thế nào cũng vướng về quy chế. Khó khăn tìm nhà đầu tư không phải vướng do liên quan đến nội tại doanh nghiệp mà do vướng các quy định", ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, Vietnam Airlines đang báo cáo để xin cơ chế vận dụng quy định của nhà nước, lựa chọn nhà đầu tư trên tinh thần công khai minh bạch, đảm bảo hài hoà giữa luật Doanh nghiệp, luật Chứng khoán...

Đồng thời, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay sẵn sàng mở cơ hội với nhà đầu tư vào Pacific Airlines trong phương án tái cơ cấu hãng này, Vietnam Airlines đặt tỉ lệ nắm mức 30% hoặc 0% vốn của Pacific Airlines.

Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991 với các cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines.

Từ năm 2020, giữa những khó khăn của dịch Covid-19, Qantas đã có ý định thoái hết vốn khỏi Pacific Airlines, nhưng không phải bằng cách bán 30% số cổ phần nói trên mà tặng lại toàn bộ cho Vietnam Airlines. Như vậy, Vietnam Airlines đang nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem