Vừa qua, TS Nguyễn Quốc Tuấn-Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo có nêu ý kiến là “lãnh đạo cấp cao không nên dự khai ấn đền Trần” để tránh tình trạng người dân ngày càng hiểu sai ý nghĩa của việc khai ấn. Ông có đồng quan điểm với ý kiến trên không?
Người dân xếp hàng chờ lấy lá ấn ở đền Trần (Nam Định). Ảnh: Hồng Châu
- Theo tôi, không thể cấm các lãnh đạo đến lễ hội khai ấn đền Trần, nhưng họ hãy đến với đúng tinh thần của lễ hội, thắp hương, khấn một vái rồi ra về sẽ không làm cho họ và dư luận hiểu sai ý nghĩa của lễ hội. Quan trọng nhất là đừng để người tổ chức lễ hội lợi dụng danh tiếng của mình để họ trục lợi riêng. Tất nhiên người đứng đầu tổ chức lễ hội nào chả muốn lễ hội mình không chỉ bó hẹp trong thôn, trong xã, trong tỉnh. Họ muốn nhiều hơn thế, vì vậy càng cố gắng để mời được những vị lãnh đạo cấp cao đến dự. Lãnh đạo càng lớn thì chứng tỏ lễ hội đấy càng to, danh tiếng lễ hội càng vang xa, và sẽ có những cái lợi đi kèm.
Người dân thường có tâm lý đám đông, thấy lãnh đạo đến xin ấn lại nghĩ đến xin bổng lộc, thì người ta cũng sẽ xin theo. Người này xin, người kia xin, ai cũng muốn có thì sẽ dẫn đến tình trạng tranh cướp. Đấy chính là tâm lý đám đông, vô thức tập thể. Những người lãnh đạo cần giải thích cho dân, làm cho dân hiểu đúng về bản chất của ấn đền Trần. Đồng thời cái tâm của người làm lễ cũng phải trong sáng theo.
Việc phát ấn nói là tùy tâm mỗi người, nhưng lại bắt buộc mỗi người bỏ ít nhất 20.000-50.000 đồng thì mới được lấy 1 lá ấn. Việc này đang khiến người dân hiểu đây là mua bán ấn. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, liệu lễ hội khai ấn đền Trần có trở nên biến dạng?
Quan điểm
Hãy phát ấn miễn phí cho người dân, để người dân tự nguyện bỏ tiền, chứ đừng quy định bắt buộc phải bỏ bao nhiêu. Nếu ngay cả tờ ấn cũng tính lãi, tính chi phí làm ra thì đấy chính là đang thương mại hóa lá ấn, tính toán có kinh tế, cái tâm không còn trong sáng nữa”..
- Nếu việc phát ấn bắt buộc mỗi người bỏ tiền để lấy lá ấn thì đấy là việc mua bán ấn, chính là hành động buôn thần bán thánh. Giả sử người trong đền phát ấn ra với giá 20.000 đồng/lá, thì sẽ có người lấy ấn xong mang ra bán với giá cao hơn, 50.000, 70.000 hoặc đến 200.000 đồng thì sao. Đây chính là hành vi buôn thần bán thánh đáng lên án. Giả sử cứ phát không ấn cho người dân, còn người ta muốn bỏ bao nhiêu thì tùy, chứ đừng ép buộc. Đừng cố “thiêng hóa” để vụ lợi thì người dân sẽ hiểu ngay.
Hãy phát ấn miễn phí cho người dân, để họ tự nguyện bỏ tiền, chứ đừng quy định bắt buộc phải bỏ bao nhiêu. Nếu ngay cả tờ ấn cũng tính lãi, tính chi phí làm ra thì đấy chính là đang thương mại hóa lá ấn, tính toán thì cái tâm không còn trong sáng nữa.
Năm nay có việc người dân không được xem rước kiệu, chính vì vậy sau khi việc rước kiệu diễn ra dẫn đến việc người dân ồ ạt xông vào trong đền để cướp giật lộc. Theo ông, có nên không cho người người dân vào xem rước kiệu?
- Theo tôi không nên cấm, người dân có quyền xem lễ rước kiệu. Nếu Ban tổ chức sợ việc chen lấn xô đẩy, dẫn đến việc đổ kiệu thì có biện pháp khác, chứ không nên cấm. Người xưa có câu “vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Nếu hội không “tả tơi” thì không vui, không phải hội. Từ xưa đã có những lễ hội chen lấn. Nhưng người ta không manh động như bây giờ, nhưng vẫn có những cách khác, giáo dục, giải thích cho họ để tham gia có ý thức không. Chứ không quản lý được thì cấm là không thể và không nên làm, vì đây là lễ hội của người dân, người dân có thể tham gia.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.