PGS. TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí cần “ba chữ thông"

Nguyễn Tuyền Thứ hai, ngày 23/12/2024 14:02 PM (GMT+7)
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, công tác tinh gọn bộ máy và chống lãng phí của Đảng gắn liền và xuyên suốt với nhau, trong đó vấn đề xử lý ổn thoả con người trong bộ máy là “cơn đau đầu” nhất.
Bình luận 0

Tại Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" vừa tổ chức sáng nay 23/12, các chuyên gia, học giả đều nhấn mạnh tính cấp thiết tinh gọn bộ máy quản trị đất nước, trong đó thực hiện các nhiệm vụ cụ thể là tinh gọn bộ máy, giảm người ăn lương nhà nước và chống các biểu hiện lãng phí, điều kiện để khơi thông các nguồn lực và giúp đất nước phát triển.

Lãng phí do 50% nhân lực trong bộ máy đang... "hoạt động cầm chừng"

PGS ,TS Trần Đình Thiên: Lãng phí do 50% nhân lực trong bộ máy đang hoạt động cầm chừng, làm cho vui - Ảnh 1.

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Ảnh: BCT).

Đề cập đến vấn đề lãng phí hiện nay, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Chống lãng phí cần “ba chữ thông”: Thông suốt về nguồn lực, thông suốt về cơ chế và thông minh về phân bổ nguồn lực.

Thông suốt về nguồn nhân lực được ông Thiên cắt nghĩa phải chọn lựa con người xứng đáng là lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành khi lực lượng sản xuất đã thông minh, số hoá cao và thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Nếu không sẽ là lực cản đối với sự phát triển.

Ông Thiên cho rằng: “50% nhân lực trong bộ máy đang hoạt động cầm chừng, làm cho vui”.

Vị TS nói tiếp “phải cơ chế phải thông thoáng mới xử lý được bộ phận này, nếu không họ không những không làm tốt chức năng, nhiệm vụ mà “rải” ra các quy trình thủ tục chồng chéo thì không thể giải quyết được”.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, công tác chống lãng phí cần phải nhận diện rõ và xử lý quyết tâm. Vấn đề của cơ chế cũng là vấn đề của con người trong bộ máy. Khi có nhiều xung đột về quyền và lợi ích giữa các cơ quan Nhà nước trong cùng một vấn đề, tức khắc công việc sẽ bị đùn đẩy, né tránh.

Về thông suốt cơ chế, ông Thiên nêu: Tham nhũng là tội nhưng lãng phí còn ảnh hưởng lâu dài hơn. Ngoài lãng phí hữu hình, có thể nhìn thấy được (như lãng phí tài nguyên, vốn, lao động trẻ - giá rẻ, điều kiện địa lý…), còn có những lãng phí vô hình không thể nhìn thấy được (là lãng phí cơ hội, lãng phí niềm tin…). Các quốc gia đều đứng trước các lãng phí đó và đều phải vượt qua.

TS Thiên khẳng định, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã tận dụng được cả cơ hội hữu hình và cơ hội vô hình để nâng tầm, thậm chí vượt qua chính mình.

“Không ai nghĩ những thập niên 50-60 của những năm thế kỷ XIX, Singapore từ làng chài nghèo, lại vươn mình trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao trên thế giới. Họ tận dụng vị trí địa lý, cơ hội để phát triển, bứt phá nhanh. Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, cũng cần tư duy đó”, ông Thiên nêu ví dụ.

Từ bỏ cái cũ không hề dễ dàng

Về việc thông minh trong phân bổ nguồn lực, TS Thiên cho rằng: Những dự án, công trình đã và đang lãng phí hiện nay cần cơ chế xử lý nhanh chóng. Còn những nguy cơ lãng phí lớn trước mắt, lâu dài đối với nền kinh tế đó là mất đi cơ hội, lãng phí do tư duy cũ, bộ máy điều hành chậm, yếu.

TS Thiên cho rằng, trong các học thuyết về kinh tế và mô hình quản trị, quốc gia nào cũng đề cao vai trò của người công chức, người điều hành và quản lý bộ máy. Đó là người quyết định mọi vấn đề.

“Chúng ta muốn có con người thông minh, thì chúng ta phải tuyển chọn kỹ, áp dụng các quy chuẩn, quy định của thị trường vào tuyển dụng con người. Chúng ta thấy rõ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trải thảm đỏ mời gọi người tài. Chúng ta có chủ trương, song chưa có cơ chế đột phá. Việt Nam tổ chức sự kiện kết nối nhân tài quốc tế đóng góp, làm việc ở Việt Nam của VinFuture cũng là điển hình và chúng ta cần nhân rộng cơ chế này”, ông Thiên nói.

“Hiện nay, các tiêu chí đánh giá cán bộ của Việt Nam còn khá mập mờ, không dùng được để đánh giá đúng, trúng cán bộ giỏi, xuất chúng. Vì thế, cần có tiêu chuẩn rõ ràng, đàng hoàng, để đánh giá đúng người, hạn chế rủi ro cho chính họ trong điều hành, chỉ đạo”, ông Thiên nêu.

Bên cạnh đó, theo ông này cần chấm dứt việc phân bổ nguồn lực kiểu xin cho, ban phát như hiện nay, bởi một thể chế kinh tế còn “tù mù” về mọi thứ thì làm ăn có thể dễ đối với mọi người song ai cũng có thể vướng tù tội, "ngủ hay chiêm bao, mộng mị".

“Từ bỏ cái cũ không dễ, bởi không ai muốn từ bỏ cấu trúc lợi ích vốn đã quen rồi. Nhưng chúng ta phải làm, không thể chậm trễ hơn”, ông Thiên nói.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

Nhờ đó đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem