PGS, TS Trịnh Hòa Bình: "Thông tin sai sự thật đang làm người dân hoang mang, mất niềm tin”

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 08/08/2021 19:44 PM (GMT+7)
Trong khi cả xã hội đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19, thì nhiều người lại đăng những thông tin sai sự thật, chỉ với mục đích câu view, câu like. Điều này có thể khiến người dân hoang mang, mất niềm tin vào cuộc sống.
Bình luận 0

Nhiều thông tin giả, độc, được chia sẻ tràn lan, nhanh chóng mặt

Trong khi tại nhiều tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ - giãn cách giã hội, phòng chống dịch Covid-19 thì nhiều kênh thông tin trên mạng xã hội lại rộ lên những tin đồn bịa đặt vô căn cứ. Nhiều người còn lấy mạng xã hội làm kênh để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản...

Câu chuyện của một người mẹ đơn thân nuôi 2 con bị bệnh tật ở Hà Nội lên mạng kêu gọi tình thương và sự ủng hộ đã lấy nhiều nước mắt của cộng đồng. Đã có hàng trăm tin nhắn chuyển tiền, với giá trị hàng chục triệu đồng. Thế nhưng chỉ sau vài ngày khi thông tin kêu gọi hỗ trợ được đăng tải, mọi người mới vỡ lẽ trường hợp của chị này có nhiều điểm nghi vấn, có thể hoàn cảnh và thông tin chị này cung cấp không đúng sự thực.

Dù kêu gọi xin thuốc chữa bệnh cho con nhưng khi được mọi người gửi thuốc chị không lấy, chỉ nhận tiền. Có người tìm đến tận nơi chị sống để hỗ trợ nhưng không gặp được chị. Sau khi những nghi vấn này được công bố, người mẹ đơn thân kia cũng lặn mất tăm, không một lời giải thích. 

Không chỉ lừa đảo tiền bạc, mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, một vài cá nhân cũng đưa những thông tin sai sự thật, nhằm tìm kiếm tình thương, lòng trắc ẩn của người dân, từ đó câu view, câu like. 

Thông tin về anh shipper giao nhận hũ cho cốt như rao rau đi khắp phố phường Sài Gòn và thông tin người bác sĩ rút ống thở của bố mẹ cứu sống một sản phụ song sinh đã được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Thông tin các hũ tro cốt ship tro cốt như ship rau trên đường phố Sài Gòn là thông tin sai sự thật. Ảnh: I.T

Thông tin các hũ tro cốt ship tro cốt như ship rau trên đường phố Sài Gòn là thông tin sai sự thật. Ảnh: I.T

Thế nhưng chỉ 1-2 ngày sau khi thông tin được đăng tải, cơ quan công an vào cuộc điều tra thì đã kết luận đó hoàn toàn chỉ là thông tin bịa đặt.

Người dân cần bình tĩnh, thận trọng khi tiếp nhận thông tin

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, tất cả những ví dụ kể trên về việc xuyên tạc sự thật, bịa đặt, lừa đảo… là không hiếm. Sự dối trá, lừa bịp không trước thì sau đều sẽ bị vạch mặt.

Bản thân những người đưa tin đồn nhảm, lừa đảo đều biết điều đó, nhưng họ vẫn làm. Có thể là muốn lợi dụng xin tiền, nhưng cũng có thể là họ muốn đưa thông tin bịa đặt, nhằm câu view, câu like để lấy tương tác cho trang fanpage...

Chỉ sau ít giờ đồng hồ được đăng tải, chia sẻ đến chóng mặt, cơ quan công an đã kết luận thông tin bác sĩ rút ống thở của bố mẹ để cứu sống sản phụ song sinh là thông tin bịa đặt, thông tin sai sự thật. Ảnh: Facebook.

Chỉ sau ít giờ đồng hồ được đăng tải, chia sẻ đến chóng mặt, cơ quan công an đã kết luận thông tin bác sĩ rút ống thở của bố mẹ để cứu sống sản phụ song sinh là thông tin bịa đặt, thông tin sai sự thật. Ảnh: Facebook.

Những thông tin sai sự thật, thông tin xấu, bịa đặt ấy nghe chừng có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng thực tế những hậu quả nó để lại lại vô cùng nghiêm trọng.

Điều này làm sao nhãng nhân tâm, làm cho niềm tin của người dân bị xói mòn. Quan trọng hơn nó tạo ra sự hỗn độn, xô bồ, làm loạn dòng chảy tin tức. Nó khiến cho con người hoài nghi về sự an nguy, tính mạng, sức khỏe của con người, của cộng đồng.

"Trong thời buổi đại dịch, thì những thông tin bịa đặt về shipper ship bình đựng cho cốt, hay thông tin bác sĩ rút ống thở của bố mẹ nhường cho sản phụ mang song thai khiến cho con người ta vừa cảm thương, vừa cảm phục, nhưng cũng khiến cho con người ta lo sợ, hoài nghi về tính mạng, sức khỏe của con người. Chưa bao giờ, người ta cảm nhận thấy, tính mạng của con người mong manh, xem thường như trong những câu chuyện bịa đặt ấy", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, những tin giả kiểu này, dẫu rằng chủ ý hay chỉ do sự vô ý (ngờ nghệch, ấu trĩ, không có thông tin) của người đưa tin thì tựu trung đều gây bất lợi cho tâm lý của con người, khiến cho con người ta mệt mỏi hơn.

"Rõ ràng trong bối cảnh cả xã hội đang gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, thì những thông tin giả giả, thật thật ấy lại càng khiến cho con người mất đi niềm tin, mất đi sức đề kháng trước dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp", ông Bình nói.

Dịch bệnh, mọi người đều phải ở nhà giãn cách, phòng dịch, vì thế con người càng có điều kiện để xem, để đọc tin tức. Thế nhưng đây cũng là cơ hội để những thông tin xấu, độc lây lan, xâm nhập vào đầu óc mỗi người.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng người dân cần cảnh giác, tỉnh táo suy nghĩ trước khi tiếp cận và chia sẻ thông tin để tránh bị những thông tin bịa đặt, lừa đảo làm mất niềm tin vào cuộc sống.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng người dân cần cảnh giác, tỉnh táo suy nghĩ trước khi tiếp cận và chia sẻ thông tin để tránh bị những thông tin bịa đặt, lừa đảo làm mất niềm tin vào cuộc sống.

Các cơ quan truyền thông chính thống cần phải nỗ lực để bù đắp thông tin, lấp hết chỗ trống thông tin cho người dân. Chỉ như vậy, thì những thông tin xấu độc mới không còn cơ hội len lỏi vào tâm trí của người dân.

"Tuy nhiên, không chỉ lấp đầy đủ khoảng trống về mặt thông tin, bản thân báo chí và cơ quan chức năng cũng cần phải cung cấp thông tin minh bạch về công cuộc phòng chống dịch, thông tin vắc xin... chỉ có như vậy thì người dân mới có sức "kháng thể" chống lại trước các thông tin xấu, độc", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, gần đây báo chí đã đưa nhiều thông tin tích cực, nhưng cũng còn nhiều thông tin chưa được minh bạch, công khai. Chúng ta cần phải minh bạch hơn nữa trong việc đưa thông tin liên quan tới công cuộc phòng dịch Covid-19, cũng như các thông tin liên quan tới quyền tiếp cận vắc xin.

Trước thực trạng này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình có khuyến cáo với người dân là: "Mọi người cần bình tĩnh, thận trọng, tỉnh táo trước mọi luồng thông tin. Không nên vồ vập, cần phải biết phân tích tính đúng sai, cần nghi ngờ khi cần thiết. Ngay cả với những trường hợp cầu cứu, van xin sự hỗ trợ... thì chúng ta cũng cần tỉnh táo, phân tích để đưa ra quyết định đúng đắn, tránh để ‘tiền mất, tật mang’ niềm tin thì bị hủy hoại", ông Bình nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem