PGS.TS. Phan Tiến Dũng nói về giá trị của Chuyển đổi số tại Việt Nam

Thanh Tùng Thứ tư, ngày 28/12/2022 12:23 PM (GMT+7)
Ngày 28/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế- xã hội".
Bình luận 0

Chuyển đổi số bằng ứng dụng công nghệ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội

Sự kiện thu hút được sự quan tâm của đông đảo các lãnh đạo, chuyên gia và công chúng quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi số. Hội thảo cũng được kết nối trực tuyến đến hơn 50 điểm cầu tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học.

Áp dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội cần được đầu tư bài bản, dài hạn - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế- xã hội". Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phan Tiến Dũng chia sẻ: "Trong kỷ nguyên số hóa, chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu bắt buộc mà các quốc gia cần phải tham gia để phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020 và Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/04/2022 lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là "Ngày Chuyển đổi số quốc gia".

Đây là năm đầu tiên, nước ta tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, với chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân". Các chiến lược về chuyển đổi số đã ban hành đều đã xác định rất rõ việc lấy người dân là trung tâm hay nói cách khác xây dựng một tương lai kỹ thuật số để phục vụ con người, mở ra cơ hội khai phá giá trị mới, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tính bao trùm. Sự gia nhập của người dân vào một thế giới số đóng vai trò quyết định đến sự thành công này".

Áp dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội cần được đầu tư bài bản, dài hạn - Ảnh 2.

PGS.TS. Phan Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của hoạt động chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Tùng

Theo nhận định PGS.TS. Phan Tiến Dũng, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà còn giúp người dân tiếp cận các nguồn tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển. Đây chính là giá trị lớn nhất mà thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam mang lại.

Trong khuôn khổ chương trình, hội nghị đã được nghe báo cáo kết quả đánh giá DTI 2021 vừa được công bố, DTI 2021 trung bình của cấp Bộ cung cấp dịch vụ công (DVC) là 0,4595; giá trị DTI cấp bộ không cung cấp DVC là 0,2151; giá trị DTI cấp tỉnh là 0,4014. Trong đó, đối với Khối các bộ không cung cấp DVC, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng vị trí thứ nhất về DTI với giá trị 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020 (0,2848). Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng xếp thứ nhất trong 3/6 chỉ số chính gồm: Nhận thức số; Hạ tầng số và Nhân lực số.

Kết quả đánh giá chỉ số DTI năm 2021 cho thấy rõ nỗ lực của lãnh đạo và Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Áp dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội cần được đầu tư bài bản, dài hạn - Ảnh 3.

Câu chuyện áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế được nhiều đại biểu quan tâm. Ảnh: Thanh Tùng

Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ: "Công nghệ và thị trường Blockchain trong những năm gần đây phát triển với tốc độ vũ bão. Điều này cho thấy sự kỳ vọng lớn về tiềm năng ứng dụng và khả năng đóng góp cho các lĩnh vực của đời sống.

Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số đóng góp vai trò then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ mới lại càng quan trọng hơn. Trong bài tham luận này, chúng tôi đưa ra các luận điểm nhằm chia sẻ với các nhà khoa học, phát triển ứng dụng Blockchain trong chuyển đổi số để có thể có các tiếp cận thực tế, khoa học khi phát triển các công nghệ sử dụng Blockchain và liên quan vào đời sống: Hạ tầng, Nền tảng, Ứng dụng".

Áp dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội cần được đầu tư bài bản, dài hạn - Ảnh 4.

Ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ về giải pháp Blockchain tại hội nghị.. Ảnh: Thanh Tùng

Theo Phan Đức Trung, Blockchain là công nghệ non trẻ nhưng có nhiều tiến bộ vượt bậc trong an toàn, minh bạch. Với sự áp dụng khoa học mật mã đặc biệt là chữ ký số, hàm băm, kết hợp với lý thuyết trò chơi đã mang lại cho Blockchain tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong cuộc sống: Tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, quân sự - quốc phòng.

Áp dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội cần được đầu tư bài bản, dài hạn - Ảnh 5.

Công nghệ Blockchain với những tiềm năng trong cuộc sống: Tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, quân sự - quốc phòng.

Việc nghiên cứu áp dụng trong chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần được đầu tư bài bản, dài hạn từ nhân sự, công nghệ lõi, tư duy thiết kế ứng dụng và khả năng thực thi hiện thực hóa thành các sản phẩm hữu ích. Có nhiều khái niệm và trải nghiệm rất mới, rất khác khi thực sự sử dụng Blockchain, đây cũng là thách thức khi chúng ta đã quá quen với mô hình cũ, đặc biệt là mô hình tài khoản phi tập trung, giai đoạn đầu tiếp cận sẽ rất lạ lẫm với người dùng và cán bộ chỉ huy.

Với lực lượng nhân sự không ngừng học hỏi, tiên phong trong phát triển các công nghệ mới, ứng dụng mới chưa có trên thị trường, sự phát triển Blockchain của Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống và xã hội, cũng như sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, tổ chức, các viện nghiên cứu để phát triển các sản phẩm lõi và ứng dụng để chúng ta có thể thực sự làm chủ công nghệ, tự lực tự cường bằng chính đội ngũ nhà khoa học, kỹ thuật Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, các nhà lãnh đạo, chuyên gia và công chúng đã có những chia sẻ, thảo luận, góp ý nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem