PGS.TS Trần Đình Thiên: Du lịch miền Trung chủ yếu tới tắm rồi về

Hoàng Thắng Thứ hai, ngày 25/09/2017 15:04 PM (GMT+7)
“Du lịch miền Trung oai nhất cả nước nhưng chủ yếu tới đi tắm thôi. Chúng ta có gì hơn đi tắm đâu. Du lịch đi tắm, ý của tôi thực tế là phần giá trị gia tăng du lịch của ta rất thấp” – PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Bình luận 0

img

Du lịch miền Trung có rất nhiều tiềm năng phát triển (Ảnh: Zing.vn)

Du lịch miền Trung chủ yếu tới tắm

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần 2 tổ chức ở Đà Nẵng sáng 25.9, PGS.TS. Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, vùng Duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển. Với “mặt tiền” hướng ra biển Đông, đường bờ biển dài hơn 1.200km, có nhiều bãi biển và phong cảnh đẹp, là tài nguyên du lịch đẳng cấp quốc tế, Vùng có lợi thế to lớn để phát triển kinh tế, nhất là trong thời đại mở cửa - hội nhập quốc tế.

Theo thống kê, Vùng có 13 cảng biển, trong đó có 7 cảng biển loại I. Nhiều cảng biển tốt là lợi thế tự nhiên hầu như “tuyệt đối” của Vùng Duyên hải miền Trung. Địa hình hẹp, địa thế trải dài; chiều dài đường biên – cả trên bộ lẫn dưới biển – lớn, chứa đựng tiềm năng và nhu cầu mở cửa – hội nhập rất lớn của Vùng. Tuy nhiên, theo ông Thiên, du lịch miền Trung hiện chưa phát triển xứng với tiềm năng và kỳ vọng vốn có.

PGS.TS. Trần Đình Thiên nói: “Du lịch miền Trung oai nhất cả nước nhưng chủ yếu đến đi tắm thôi. Chúng ta có gì hơn đi tắm đâu. Du lịch đi tắm, ý của tôi thực tế là phần giá trị gia tăng du lịch của ta rất thấp".

img

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển miền Trung và hải đảo còn yếu kém

Trong tham luận đóng góp cho Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần 2, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ ra một số khó khăn của kinh tế biển miền Trung. Đó là nhận thức về vai trò, vị trí của biển, kinh tế biển và phát triển bền vững biển, đảo của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ.

Ngoài ra, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo vẫn còn “lúng túng” đối với cả những người thực hiện và hoạch định chính sách; chạy theo lợi nhuận trước mắt, ngắn hạn trong phát triển vẫn còn khá phổ biến.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, chưa tương xứng yêu cầu phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển trong khu vực. Hệ thống hạ tầng cơ sở cho phát triển kinh tế biển, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển còn lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp. Thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.

Biến du lịch miền Trung thành mũi nhọn

Từ thực tế trên, PGS.TS.Trần Đình Thiên đề nghị miền Trung xác định du lịch là quan trọng nhất, đề nghị Trung Ương cần có chương trình xác định để du lịch miền Trung thành mũi nhọn.

img

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng du lịch miền Trung oai nhất cả nước nhưng chủ yếu đến để đi tắm

“Phải có chương trình cho rõ chứ không lờ mờ, mạnh ai nấy làm như bây giờ. Cho phép, tạo điều kiện miền Trung làm đề án lớn tầm cỡ quốc gia, chứ không sẽ lơ mơ về tầm nhìn. 6 năm qua làm nhiều cái tốt rồi nhưng ấm ức cũng nhiều. Chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều mặc dù cách làm cũng nhiều cái tốt" - ông Thiên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem