PGS.TS Trịnh Hoà Bình: "Cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật đáng ra phải làm từ lâu"
PGS.TS Trịnh Hoà Bình: "Cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật đáng ra phải làm từ lâu"
Gia Khiêm - Ma Kin
Thứ tư, ngày 19/04/2023 11:00 AM (GMT+7)
Đó là chia sẻ thẳng thắn của PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) với PV Dân Việt trước thông tin nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sẽ bị cấm sóng, cấm diễn từ tháng 10/2023.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đồng tình với kế hoạch cấm sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Theo họ, đây vừa là cách để răn đe, cũng là biện pháp để "thanh lọc" thị trường giải trí. Có ý kiến còn cho rằng, việc triển khai quy trình xử lý này sẽ giúp các nghệ sĩ có ý thức hơn trong việc giữ gìn hình ảnh với cương vị là người của công chúng.
Thời gian qua, việc một số nghệ sĩ vướng vòng lao lý, điển hình là trường hợp của diễn viên Hữu Tín khiến cư dân mạng ngán ngẩm. Hay ồn ào tình ái của Hiền Hồ cũng khiến nữ ca sĩ chịu làn sóng tẩy chay khi trở lại với thị trường giải trí.
Từ những vụ việc này, cư dân mạng mong cơ quan chức năng cần sớm triển khai quy trình xử lý, đặc biệt là có những quy định cụ thể để những gương mặt làm trái thuần phong mỹ tục khó trở lại nghệ thuật sau ồn ào.
Trước sự việc này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, việc cấm sóng, cấm diễn đối với nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục "đáng ra chúng ta phải làm từ lâu" hoặc đúng với tinh thần làng nghệ thuật đặt ra với ý nghĩa, mục đích, tôn chỉ hoạt động, lời thề về nghề nghiệp của giới văn nghệ sĩ.
"Đương nhiên đã có chuyện không ít nghệ sĩ trình diễn những thứ nhăng nhố, hình ảnh phản cảm hoặc bản thân văn nghệ sĩ hoặc nhân vật của làng giải trí sa vào những scandal đời thường nhếch nhác, làm xấu đi văn hoá nước nhà. Nhiều công chúng đã phản ứng, đòi hỏi việc cấm sóng, cấm diễn với nghệ sĩ từ lâu nay nhưng chúng ta không làm được.
Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải có quyết định mạnh tay hơn nữa thay vì trước kia mới chỉ là câu chuyện nói bên ngoài hoặc phát biểu của vài người có trách nhiệm chưa có quyết định gì, việc này nên làm và lẽ ra phải làm từ lâu", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cho rằng, việc nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sẽ bị cấm sóng, cấm diễn... cộng đồng sẽ rất hoan nghênh. Điều này không chỉ làm lành mạnh bầu không khí xã hội, không gian văn hoá nghệ thuật đồng thời góp phần gia tăng an ninh, an sinh xã hội sạch sẽ, tươi tắn hơn, cởi mở hơn…
Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội cho hay, thời gian qua có vài hiện tượng như danh xưng là "ông hoàng nhạc Việt" hay Trấn Thành cãi dỗi với cộng đồng, khóc nức nở khi nói về 4 chữ "Hào quang rực rỡ", nghệ sĩ Xuân Bắc đăng tải một bài kể câu chuyện "ngụ ngôn" để mắng nhiếc khán giả "ăn cháo đá bát"...
"Tất cả hành xử đó cho thấy chưa đúng mực của nghệ sĩ với tính chất phục vụ công chúng. Như vậy một bộ phận nghệ sĩ đặt nặng vấn đề chỉ thấy khía cạnh được tôn vinh, vuốt ve, thần tượng hoá chứ ít thấy phần nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Quay trở lại đối với đời sống xã hội tôi cho rằng rõ ràng phát biểu như vậy là sự lệch lạc xã hội. Từ câu chuyện trên, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trong xã hội hãy làm nhiều hơn, tích cực hơn với tinh thần hướng thiện hơn, vô tư, trong sáng, lành mạnh hơn", ông Bình nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.