Phá bỏ im lặng, xóa câu chuyện buồn tại triển lãm “Phía sau cánh cửa”

Ngân Hà – Bích Hải – Minh Hằng Thứ bảy, ngày 24/11/2018 16:30 PM (GMT+7)
“Sống vì con”, “Thấy nhục nhã, đau đớn nhưng yêu chồng, tôi vẫn cố làm lành”, đó chỉ là số ít trong nhiều câu chuyện được chia sẻ tại triển lãm “Phía sau cánh cửa” vừa diễn ra vào chiều 23.11 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Bình luận 0

Triển lãm được tổ chức kéo dài đến 31.12. 2018 để hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

img

Tác phẩm sắp đặt “Mặt nạ của hạnh phúc” tại triển lãm "Phía sau cánh cửa"

Để thực hiện triển lãm này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu hơn 60 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó một nửa là các ca bạo lực được cung cấp từ Nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã trao đổi trực tiếp với tất cả các nhân vật, nhưng chỉ có chưa đến 20 người đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí một số người đã đồng ý nhưng sau đó suy nghĩ lại và từ chối không tham gia.

Trong số những nhân vật đồng ý chia sẻ, thì chỉ có 7 người cho ghi âm, chụp ảnh và cho phép Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sử dụng trong trưng bày, nhưng phải qua xử lý hình ảnh, không lộ danh tính. Lý do chính là họ sợ câu chuyện của mình công khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, người thân của mình.

img

“Hãy nói ra, phá bỏ sự im lặng, khi bạo lực diễn ra một lần nó sẽ tiếp tục diễn ra” - thông điệp của triển lãm

Triển lãm gồm 2 chủ đề: Thứ nhất là “Những điều mắt thấy”, giới thiệu khát quát tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay và những nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Ngoài ra còn giới thiệu các mô hình Ngôi nhà Bình yên, mô hình Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp.

Chủ đề thứ 2, cũng là chủ đề chính của triển lãm, mang tên “Phía sau cánh cửa” giới thiệu các câu chuyện của một số nạn nhân bạo lực gia đình. Triển lãm sử dụng phương pháp trưng bày sắp đặt, tạo ra 5 modul gợi mở về những không gian khác nhau trong mỗi gia đình để người xem tự cảm nhận bằng cảm giác cũng như kinh nghiệm của mình trong cuộc sống với các nội dung “Lời ru buồn”, “Mặt nạ của hạnh phúc”, “Gánh nặng không cùng san sẻ”, “Những trái tim lạc lối”, “Bỏ thì thương vương thì tội”.

“Cứ có cái gì nghẹn lại ở cổ khi mình đọc và xem những câu chuyện về bạo lực gia đình ở đây. Nhìn những tổn thương mà những người phụ nữ phải gánh chịu khiến mình cảm thấy phải trân trọng họ nhiều hơn”, Minh Sơn - sinh viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh - chia sẻ. 

img

Triển lãm thu hút khá đông khán giả từ mọi lứa tuổi

Hiện nay những “lớp” mà chúng ta phát hiện ra về bạo lực gia đình vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tại sao họ không dám nói ra, mà chấp nhận im lặng và âm thầm chịu đựng những đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần? Chính những nhận thức sai lầm như bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà, hay đã là phụ nữ thì phải biết hy sinh vì chồng con, giữ nhà cửa êm ấm… đã khiến các phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình rất dễ bị đổ lỗi bởi chính thủ phạm và cộng đồng. Thông qua câu chuyện của các nạn nhân bạo lực gia đình, triển lãm mong muốn truyền tải tới công chúng nói chung và các nạn nhân nói riêng thông điệp “Phá bỏ im lặng – Chung tay đẩy lùi bạo lực”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem