Phá rừng nuôi bò, đốn rừng làm sân golf và hành xử bất chấp

Ngô Nguyệt Hữu Thứ tư, ngày 26/04/2017 06:28 AM (GMT+7)
Chưa dứt xong vụ phá rừng để nuôi bò, thì trong những hôm này, Phú Yên lại phá rừng phòng hộ để làm sân golf.
Bình luận 0

Thông tin cực sốc là lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã chặt hạ hơn 1.000 hecta rừng để phục vụ cho 20 dự án đang được đầu tư tại tỉnh này. Trong đó, có những khu rừng mà lãnh đạo tỉnh này cho phép chặt hạ để giao mặt bằng cho nhà đầu tư, bất chấp chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Vài tuần trước, Phú Yên khiến dư luận như lên đồng vì chặt hạ mấy trăm hecta rừng tái sinh để giao đất cho một doanh nghiệp bò sữa. Vụ việc nóng đến độ các nguyên lãnh đạo tỉnh đã vào tận địa điểm đang cưa xẻ để thị sát rồi gọi điện thoại cho lãnh đạo tỉnh đương nhiệm để… mắng vốn. Mà cụm rừng bị tàn phá này, nằm trong phạm vi đóng cửa rừng vĩnh viễn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Không chỉ dừng lại ở tư duy hết sức kỳ lạ này, lãnh đạo tỉnh Phú Yên còn ngụy biện khi cho rằng không phải chặt gỗ rừng mà chỉ phát quang lau sậy để bàn giao mặt bằng. Mãi cho đến khi giới truyền thông trưng ra những clip ghi lại cảnh cây rừng đua nhau ngã xuống dưới lưỡi cưa máy thì họ mới bắt đầu nhùng nhằng có nên triển khai tiếp dự án hay không?

Thậm chí phải đến lúc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh này có giải trình, báo cáo về vụ việc. Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào cuộc thì dự án mới tạm dừng lại để chờ kết luận cuối cùng.

Chưa dứt xong vụ phá rừng để nuôi bò, thì trong những hôm này, Phú Yên lại nóng chuyện phá rừng phòng hộ để làm sân golf.

img

Khu vực rừng phòng hộ ven biển xã An Phú, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) bị phá để làm sân golf, khu du lịch cao cấp. Dự án được cho là để kịp phục vụ cho cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, diễn ra tại Phú Yên vào tháng 7.2017. Ảnh: Hùng Phiên

Cũng như lần phá rừng trước, cách lý giải của lãnh đạo tỉnh vô cùng hồn nhiên và ngây thơ. Ông Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này thì cho rằng: “Năm nay, cuộc thi hoa hậu hữu nghị ASEAN tổ chức tại Phú Yên nên lãnh đạo tỉnh chủ trương đẩy nhanh dự án để quảng bá các điểm du lịch. Do tính chất cấp bách, tính cần thiết nên tỉnh cho doanh nghiệp vừa thi công vừa làm các thủ tục. Nếu căn cứ đúng quy định, làm từng bước thì lâu lắm. Nếu đợi các thủ tục hoàn tất thì có khi mất cả một hai năm chứ đâu ít. Trong khi tháng 6 đã thi hoa hậu rồi nên tỉnh có cơ chế để tạo điều kiện cho nhà đầu tư”.

Còn ông nguyên là lãnh đạo của một Sở thuộc tỉnh này (nay đã về hưu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Phú Yên) còn tỉnh queo: “Theo tôi, việc bỏ rừng phòng hộ ngay xã An Phú, TP.Tuy Hòa để làm các dự án không ảnh hưởng gì tới chức năng phòng hộ, bởi vì người ta sẽ trồng lại. Chắc chắn cũng sẽ phải trồng lại hết. Vì thực chất ra mình có một khu nghỉ hay có một tòa nhà thì nó là những điểm nhấn trong cái rừng đó thôi.

Cho nên vẫn là cái rừng đó, vẫn là cái nền đó, nên không sợ. Tôi rất là an tâm cái chuyện này, bởi vì bản thân chủ đầu tư họ có tiền, họ có kiến thức, họ có tâm huyết, họ làm đẹp cho đời, họ giữ thương hiệu của họ.Tôi làm lâm nghiệp mấy chục năm. Mất rừng là gì? Mất rừng là do mình làm than, làm nương rẫy mới mất rừng. Cái người đi chặt gỗ thì họ lựa cái cây đẹp mà chặt, lựa cây giá trị họ chặt, trăm cây như thế họ lựa một cây họ chặt. Cho nên nếu khai thác gỗ thì chất lượng rừng nó chỉ lên xuống chút ít thôi, còn hệ sinh thái rừng hầu như không khác mấy.

Rừng phòng hộ ven biển Tuy Hòa nếu người ta có làm thì đó là giải pháp tạm thời. 1-2 năm người ta cũng phải trồng lại cho nó đẹp, đó là điều chắc chắn”, (trích nguyên văn).

Viết điều này bỏ quá cho, chứ tư duy mà như thế này thì chắc chắn không có quá nhiều hy vọng về giấc mơ phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân đang cư ngụ tại tỉnh ấy.

Điều nguy hại nhất trong câu chuyện phá rừng làm kinh tế của lãnh đạo tỉnh Phú Yên chính là lãnh đạo tỉnh đã đặt môi trường sống, môi trường sinh thái của nhân dân toàn tỉnh bên ngoài những đàm phán của riêng họ và doanh nghiệp xin đầu tư.

img

Phú Yên cho đốn hạ cây rừng ở 2 tiểu khu 310 và 311 thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh để giao đất cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên triển khai dự án Chăn bò thịt chất lượng cao. Ảnh: Người Lao động

Họ tin rằng những mảnh rừng hiếm hoi còn sót lại chính là tài sản của riêng họ, để khi nhà đầu tư tham lam xin phép, họ nhanh chóng đồng ý và cho triển khai bất chấp những hệ lụy thế nào...

Rõ ràng, sự phát triển về kinh tế xã hội là chưa thấy, nhưng nguy cơ về sự mất ổn định cân bằng sinh thái là điều đã hiện hữu.

Với cách hành xử tùy tiện, bất chấp luật định, bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bất chấp sự phẫn nộ của công luận… Việc lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên liên tục cho tàn phá rừng tái sinh, rừng phòng hộ cho thấy thái độ tùy tiện, tư duy ngắn hạn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này.

Cần phải nhấn mạnh rằng, rừng không phải là tài sản riêng của lãnh đạo tỉnh này để muốn làm sao thì làm, muốn tàn phá ra sao thì phá.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất rõ: “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân”. Thế nhưng, ở Phú Yên đang xảy ra điều ngược lại.

Trong bối cảnh này, nhân dân phải tin vào lời của Thủ tướng Chính phủ bằng cách nào khi chứng kiến những gì mà lãnh đạo tỉnh Phú Yên đang thực hiện?.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem